Danh ca Kim Tước – Giọng hát mẫu mực của dòng nhạc tiền chiến

0
1427

Những người yêu nhạc tiền chiến sẽ không thể quên được một giọng hát cao, trong, thanh nhã và hiếm quý của ca sĩ Kim Tước – Một ca sĩ của dòng nhạc tiền chiến, thính phòng đã đi hát từ thập niên 1950.

Bà tên thật là Nguyễn Kim Tước, sinh năm 1938 tại Nam Định trong một gia đình có sáu người con. Khi còn nhỏ, Kim Tước được theo học chương trình Pháp tại Hà Nội và Huế. Sau đó bà theo học trung học tại trường Lycée Français De Hue, rồi trường Marie Curie ở Sài Gòn và đậu tú tài Pháp năm 1957.

Có thể nói Kim Tước là người Giữ Màu Sắc Thính Phòng Cho Tân Nhạc Việt. Nếu nhìn lại những giọng ca kỳ cựu của nên tân nhạc Việt vẫn còn xuất hiện trên sân khấu, người ta không thể thiếu tên Kim Tước. Từ khi còn đi học, Kim Tước đã được học về âm nhạc và piano. Trong một cuộc thi tuyển ca sĩ của đài phát thanh Hà Nội, Kim Tước ghi tên và đạt giải nhất của giọng ca nữ. Sau đó Kim Tước tiếp tục học thanh nhạc với một nữ giáo viên người Pháp trong Hội khuyến nhạc. Kim Tước đến với âm nhạc khi tuổi còn rất trẻ. 14 tuổi, bà bắt đầu bước vào ca hát chuyên nghiệp trở thành ca sĩ của đài phát thanh Hà Nội vào năm 1952.

Kim Tước xuất thân từ một gia đình có nhiều người sinh hoạt nghệ thuật, với những tên tuổi lớn của đài phát thanh Hà Nội vào thập niên 50, trước ngày chia đôi đất nước như nữ danh ca Minh Đỗ, nhạc sĩ Vũ Thành… Bà theo Tây học từ nhỏ nên có cơ hội học thanh nhạc trong trường và đã được theo học piano với giáo sư Nguyễn Cầu. Kim Tước còn theo học lớp luyện thanh tại hội Khuyến Nhạc tại Hà Nội và sau này khi di cư vào nam còn học nhạc với nhạc sĩ Nguyễn Phụng.


Kim Tước hát Giấc Mơ Hồi Hương của nhạc sĩ Vũ Thành

Năm 1954, Kim Tước cùng gia đình di cư vào Huế và tiếp tục hát cho đài phát thanh ở đây. Hơn một năm sau, gia đình chuyển vào Sài Gòn, Kim Tước hát trên đài Pháp Á và theo học tại trường Marie Curie. Bà cũng tham gia ban nhạc giao hưởng đầu tiên tại Sài Gòn do nhạc sĩ Nguyễn Phụng thành lập. Có thể nói từ sau khi định cư tại Sài Gòn, sự nghiệp ca hát của Kim Tước đã bước sang một bước ngoặt mới. Nhờ có kiến thức vững vàng về thanh nhạc cũng như về Pháp ngữ, nên Kim Tước đã trình bày một số nhạc phẩm cổ điển của Mozart trong một chương trình đại hòa tấu nhân dịp “Đại Hội Nhạc Mozart” tại dinh tổng thống vào năm 1956. Lần trình diễn này ca sĩ Kim Tước đã vinh dự được tổng thống Ngô Đình Diệm trao tặng hoa.

Năm 1958, ban nhạc của nhạc sĩ Nguyễn Phụng giải tán. Một thời gian sau, Kim Tước tham gia cộng tác với nhiều ban nhạc trên đài phát thanh như Ban Đại Hòa Tấu của nhạc sĩ Vũ Thành, Ban Tiếng Nhạc Tâm Tình của Anh Ngọc, Ban Tây Hồ – Tiếng Tơ Đồng của Hoàng Trọng, hay Ban Đàn Dây của Hoàng Lang… Nhưng nhắc đến những thành tựu của giọng hát Kim Tước mà không nhắc đến ban tam ca nổi tiếng Mộc-Kim-Châu (Mộc Lan, Kim Tước, Châu Hà) thì sẽ là một thiếu sót. Ban tam ca này được sự hướng dẫn của nhạc sĩ Hoàng Trọng và đã tạo cho mình một chỗ đứng riêng biệt trong vườn hoa tân nhạc Việt Nam.

Ba giọng ca của 3 danh ca Mộc Lan, Kim Tước và Châu Hà mang 3 cá tính khác nhau nhưng khi hát chung thì lại hòa quyện vào nhau thành một nhờ vào cách hòa thanh độc đáo của người nhạc sĩ cũng như kỹ thuật hát bè điêu luyện của cả ba người. Bộ ba này đã hợp tác với nhau một thời gian dài trong những chương trình phát thanh và truyền hình – nhiều hơn cả là trong chương trình của các nhạc sĩ Hoàng Trọng và Văn Phụng – nhưng ít khi họ trình diễn trên sân khấu. Với khả năng vững vàng về nhạc, Mộc Lan, Kim Tước và Châu Hà đã giữ phần hát bè cho rất nhiều ca sĩ, trong số có Thái Thanh, Khánh Ly, Hoàng Oanh, Thanh Tuyền, Thanh Vũ,… để thu âm. Tuy vậy ban tam ca Mộc Lan, Kim Tước và Châu chưa từng thu thanh chung với nhau trên một đĩa nhạc nào và riêng Kim Tước khi còn ở Việt Nam cũng chỉ thu thanh một vài nhạc phẩm.

Ca sĩ Kim Tước có một giọng hát cao vút. Bà có chất giọng khỏe, dày và vang rền nên vẫn có thể làm người nghe cảm thấy thoải mái khi ngân nga ở những nốt cao chót vót. Giọng hát đó khi xuống trầm lại dìu dặt tình tứ chứ không tắt lịm. Ca sĩ Kim Tước biết sử dụng kỹ thuật thanh nhạc để diễn tả cảm xúc của bài hát. Bà không có thói quen hát nũng nịu hay làm dáng bằng giọng hát của mình. Những ca khúc được bà chọn trình bày thường mang phong cách nhạc thính phòng và đòi hỏi một trình độ thanh nhạc nhất định để diễn tả thành công.

Từ thập niên 50s, “Vọng Ngày Xanh” của nhạc sĩ Khánh Băng đã là ca khúc làm nổi bật tên tuổi của Kim Tước tại các sân khấu đại nhạc hội. Kim Tước cũng được đánh giá là một trong những ca sĩ trình bày thành công những ca khúc của nhạc sĩ Vũ Thành, Cung Tiến và sau này của nhạc sĩ Lê Văn Khoa tại hải ngoại. Nhiều người cho rằng cách hát của Kim Tước khô khan và nặng nề quá. Nhận xét như vậy không phải sai nhưng đó là vì người ta so sánh cách hát của bà với cách hát của các ca sĩ chuyên về nhạc phổ thông, đại chúng. Giọng hát của ca sĩ Kim Tước không phù hợp cho loai nhạc này và có lẽ chính bà cũng ý thức được điều này nên đã chọn để theo hướng đi riêng của mình.

Do chuyên trình bày các nhạc phẩm mang âm hưởng cổ điển với phần nặng về kỹ thuật, nên Kim Tước tự nhận xét là tên tuổi của mình không được biết tới nhiều trong tầng lớp khán giả ưa thích loại nhạc phổ thông: “Tôi nhận thấy ở Sài Gòn, tên tuổi tôi không được mến chuộng nhiều trong đại chúng tại vì lối hát của tôi hơi cứng quá và nhất là hơi nặng về vấn đề kỹ thuật. Về sau này những người sau tôi như Hà Thanh hay những người khác, họ hát uyển chuyển hơn cho nên dễ đi vào quần chúng nhiều hơn và dễ được thông cảm hơn.”

Ngoài phần cộng tác về nghệ thuật với các đài phát thanh Quân đội, Sài Gòn, Tiếng Nói Tự Do và Mẹ Việt Nam cho đến khi rời khỏi Việt Nam vào năm 1975, Kim Tước đã từng một thời gian làm biên tập viên cho đài Tiếng Nói Tự Do cùng thời kỳ với các nghệ sĩ nổi tiếng như Từ Công Phụng, Hồ Đăng Tín, Lê Gia Thẩm và Hoàng Quốc Bảo trong thời gian từ năm 1961 đến 1964.

Danh ca Kim Tước năm 2019. Ảnh: Jimmy Show

Xin đăng dưới đây bài nói chuyện của danh ca Kim Tước với nữ ký giả Trịnh Thanh Thủy để bạn đọc hiểu rõ hơn về sinh hoạt âm nhạc miền Nam trước đây:

  • Được biết chị đi hát từ khi còn bé và đoạt giải nhất trong cuộc thi tuyển lựa ca sĩ của đài phát thanh Hà Nội. Xin chị kể lại chuyện ngày ấy.

Kim Tước: Lúc đó tôi mới 11 tuổi, Bà Minh Đỗ – là dì ruột của tôi đang hát ở đài phát thanh Hà Nội. Tôi mới di cư về thì bà ấy dẫn đi học đàn piano với giáo sư Nguyễn Cầu. Nhà bà có cái đàn piano nên tôi cứ đến tập. Có một hôm bà ấy dẫn tôi lên đài phát thanh để xem bà ấy hát. Đúng vào ngày hôm đó có một cô ca sĩ bị đau nên bà ấy bảo cứ cầm bài mà hát đi. Vì từ nhỏ tôi đã biết xướng thanh nên cầm cái bài hát là hát luôn.

Một thời gian ngắn sau, đài phát thanh Hà Nội bắt đầu tổ chức những cuộc tuyển lựa ca sĩ và tôi đã ghi tên dự thi ngay trong lần thi hát đầu tiên. Tôi chiếm giải nhất về giọng ca nữ, còn Thanh Hiếu đoạt giải nhất dành cho giọng ca nam.

  • Cảm tưởng của chị ra sao?

Tôi không thấy gì hết ngoài sợ. Mà sợ lắm cơ, vì mấy ông giám khảo toàn những tay đại cổ thụ của âm nhạc và đài phát thanh khảo thí như Hoàng Trọng, Dương Thiệu Tước, Thẩm Oánh, Trần Văn Nhơn… Tôi phải qua đủ các vòng thi cho đến khi vào chung kết thì đã quá khiếp vì sợ. Mãi cho đến lúc sau này lớn lên gặp họ lại vẫn còn sợ. Đã vậy về đến nhà có thêm nỗi sợ bố la mắng, vì ông là người nệ cổ, không thích âm nhạc và theo quan niệm “xướng ca vô loại”. Do đó tôi không cảm thấy vui vẻ gì dù được đoạt giải.

  • Tên bài hát đoạt giải của chị là gì? Xin kể một vài kỷ niệm đẹp thuở nhỏ.

Đó là bài “Ngọc Lan” của nhạc sĩ Dương Thiệu Tước. Ai cũng bảo bài đó khó hát tại sao lại chọn. Tôi chẳng biết tại sao.

Sau khi đoạt giải tôi bắt đầu đi hát ở các đài phát thanh để kiếm tiền giúp đỡ gia đình vì khi ấy gia đình mới di cư từ ngoài Bắc vào còn túng thiếu lắm. Tôi là chị cả trong gia đình 5 con và rất thương hai cụ, nhất là mẹ tôi. Tôi còn nhớ một kỷ niệm suốt đời không bao giờ quên. Khi ấy mẹ sinh cô em thứ ba, tôi khoảng 3, 4 tuổi, mẹ bị đau ngực vì cô em bú không hết nên sữa ứ. Cụ rất nhiều sữa, bà bắt tôi bú cho ngực đỡ đau, đỡ căng. Ối giời ơi, tôi không thể tưởng tượng được sao ngày ấy tôi có thể làm được. Bên Việt Nam thường sau một tuổi, đứa bé thường dứt sữa, tôi lớn rồi mà vẫn phải bú sữa ứ.

Mấy đứa sau cũng thế, do đó mỗi lần cụ sinh tôi sợ lắm, một nỗi sợ kinh hoàng xen lẫn mắc cỡ. Đã vậy sau khi sinh em, cụ thường đau tay chân, tôi hay ngồi giúp mẹ bóp tay chân cho đỡ mỏi. Khi lớn lên, lập gia đình và có con tôi mới hiểu và thương mẹ nhiều hơn. Trời sinh ra phụ nữ với thiên chức làm mẹ phải chịu nhiều đớn đau khi sinh con, vượt cạn, lại còn chăm sóc chúng, cho bú mớm, chịu biết bao đau đớn, nhọc nhằn. Ngày xưa các cụ còn sinh con ở nhà, nên tôi chứng kiến cái cảnh đau đẻ kinh khủng như thế nào.

Tôi cảm thấy may mắn và hãnh diện được trải nghiệm và sống qua những cảnh tượng rất hạnh phúc. Thuở ấy, mỗi mùa hè, mẹ cho về nhà bà ngoại ở Nam Định. Cụ ngoại có một trang trại (ấp) giống như đồn điền vậy. Cụ vừa làm ruộng vừa nuôi gia súc như trâu, bò, ngựa, dê, heo… Trong trại có một villa lớn. Cụ bắt tôi đi chăn bò, cho bò ăn, vắt sữa bò. Khi ấy, tôi còn bé, sức thì yếu, bàn tay bé tẹo. Tôi nắm cái vú lớn con bò mà vắt, vừa vắt, tay vừa đau, mà con bò thấy khó chịu, đau, nó đá cho một phát. Tuy thế được học những cái ở nhà quê, tôi lấy làm sung sướng lắm. Cụ dạy nuôi tằm, dệt cửi, tự dệt quần áo để mặc. Sau khi dệt thành vải may quần đùi, tôi đem bùn và củ nâu giã nhỏ trét vào vải để nhộm nâu rồi đem phơi. Tôi còn được học cách làm trà sen. Mỗi sớm tinh sương, tôi chèo thuyền nan, thuyền thúng ra hồ sen. Men hai bên bờ hồ có trồng cây vối, tôi hái nụ vối về nấu nước pha trà. Rồi hái sen về, bóc hột đem phơi, và lấy những tia vàng của hoa, đem về ướp trà cho các cụ uống.

  • Sở hữu một giọng Mezzo Soprano (Bán Kim), chị có thể lên cao và xuống thấp trong một âm vực rất rộng. Làn hơi dài giúp chị ngắt câu rất hợp cách. Có những ca sĩ hơi không đủ, mới hát được hai ba chữ đã hết hơi, nên hay ngắt câu tầm bậy, Duy Cường gọi những ca sĩ ấy là chẻ vụn ca khúc như thái rau diếp! Xin chị cho biết âm vực (quãng rộng) của giọng hát chị. Là một ca sĩ được nhạc sĩ Phạm Duy và Vũ Thành ngợi khen và quý trọng vì khi hát chị rất coi trọng kỹ thuật và cảm xúc của tác giả. Xin chị chia sẻ chút kiến thức và kinh nghiệm trong kỹ thuật luyện thanh.

Giọng hát của tôi giúp tôi có thể lên cao và xuống thấp rất dễ dàng, nốt cao nhất tôi có thể lên là nốt Đô. Chuyện mấy ông ngợi khen, thật ra tại ngày xưa mấy ông nhạc trưởng hay nhạc sĩ chỉ muốn ca sĩ hát cho đúng kỹ thuật và bài bản mà thôi, không được nhét tình cảm vào. Trong khi họ sáng tác thì lại dựa trên tình cảm mà viết, nhưng nếu ca sĩ hát theo lối cảm xúc dạt dào thì họ không bằng lòng.


Kim Tước hát Còn Gì Nữa Đâu của nhạc sĩ Phạm Duy

Riêng tôi, họ viết sao tôi hát theo làm vậy, không tự mình uốn éo, luyến láy thêm bớt. Ngoại trừ họ viết uốn éo thì tôi uốn éo theo. Một thời gian sau, theo thời thế, dĩ nhiên họ phải chịu sự thay đổi. Chính họ cũng cảm thấy hát cứng quá thiếu sự truyền cảm và khi viết nhạc họ cố viết sao cho có sự truyền cảm hơn. Giới ca sĩ những thế hệ sau này, tự họ tạo ra lối hát riêng của họ. Tôi thì tôi không thể bắt chước, cũng như người khác không thể bắt chước lối hát của tôi được. Thành ra các nhạc sĩ hiểu ra, người ca sĩ này sẽ hát theo lối này, người khác sẽ hát theo lối khác, tự họ sẽ phải mềm mại đi để theo những lối hát khác nhau của các ca sĩ.

  • Vào thập niên 60, chị và Châu Hà, Mộc Lan, hợp thành một ban tam ca Mộc Kim Châu nổi tiếng. Xin cho biết phạm vi hoạt động của ban? Đầu thập niên ấy, ngoài ban tam ca nữ này còn có một ban tam ca nữ nào không? Sau khi ra hải ngoại, chị lại cùng Mai Hương và Quỳnh Giao thành lập ban Tiếng Tơ Đồng, ban này hoạt động bao lâu và tại sao lại tan rã?

Ngày ấy tôi, Châu Hà, Mộc Lan hát trong các ban nhạc khác nhau và nhận thấy ba giọng hát hợp nhau (nhưng không giống nhau), nên đã gom lại thành ban tam ca Mộc Kim Châu. Không dám tự hào nhưng ba giọng hát chúng tôi rất hoà hợp. Thí dụ giọng của chị the thé, tôi có thể hát the thé. Nếu giọng của chị xuống trầm, tôi có thể làm theo như vậy được. Chúng tôi đã hiểu nhau đến độ theo nhau, nương nhau mà hát rất thoải mái. Vì thế nó thành một ban tam ca rất quyện nhau.

Chúng tôi hát với nhau sung sướng đến độ vừa hát xong một bài, cả ba cùng phá lên cười. Chúng tôi cùng tự hỏi, tại sao có thể hát giống nhau, hợp nhau như một cây đàn đến thế mà không ai ganh tị lẫn nhau. Hát hợp ca khó ở chỗ đó, không có người nào trổ giọng ra, để tỏ ra giọng mình hay hơn, nổi trội hơn người khác.

Chúng tôi được nhạc sĩ Hoàng Trọng hướng dẫn và viết hoà âm cho. Chúng tôi trình diễn ở các đài phát thanh, nhiều nhất là Đài Phát Thanh Sài Gòn. Chúng tôi cũng xuất hiện ở vài sân khấu xi nê trong phần phụ diễn trước khi chiếu. Ngày ấy 1 xuất xi nê chỉ dài độ 1 tiếng, phần phụ diễn thường là tân nhạc hoặc có khi là hài kịch. Ban tam ca ra trình diễn được xem là mới mẻ vì lúc ấy làm gì có tam ca. Chỉ có ban tam ca chúng tôi là độc nhất thôi.

Chúng tôi cũng hát phụ hoạ cho các ca sĩ thâu đĩa như Hà Thanh hay Khánh Ly nhưng chưa bao giờ chúng tôi thâu đĩa với nhau. Đôi khi chúng tôi gọi đùa nhau là “Les Trois Mousquetaires” (Ba chàng ngự lâm quân pháo thủ).

Sau 1975, Ban Tam ca Tiếng Tơ Ðồng do tôi và Mai Hương, Quỳnh Giao ra đời nhưng vì mỗi người định cư ở một nơi, lâu lâu mới họp lại hát rất bất tiện nên chỉ hoạt động được một thời gian.

  • Nghe nói trong quá khứ, chị có điạ vị xã hội là phu nhân của một đại tá Hải Quân chỉ huy trưởng Trung Tâm Huấn Luyện Nha Trang. Vào những năm trước 75, chị hoạt động ca hát thường xuyên, chuyện này có ảnh hưởng hạnh phúc gia đình chị không?

Ngày đó tôi đi làm và ca hát, nhà tôi thì đi lính, xa nhà hoài, đời sống cả hai thiếu sự gần gụi. Sau này chúng tôi xa nhau thật, vì thiếu sự vun đắp tình cảm đưa đến sự tan vỡ. Tuy nhiên khi còn ở với nhau, tôi vẫn làm tròn trách nhiệm, nghĩa là trong các buổi tiệc tùng như tiếp đón các quan chức trong nước cũng như ngoại quốc, tôi đều lo toan. Tỷ như trong vai trò tiếp đón ông Nguyễn Cao Kỳ, các hạm trưởng Hải Quân hay Chỉ Huy Trưởng Đệ Thất Hạm Đội của Hoa Kỳ, mọi người đều giao lại cho tôi vì thời đó rất ít các phu nhân thạo ngoại ngữ, và tôi nói được cả tiếng Anh lẫn Pháp. Ngày ấy, tiếng Việt với tôi lại là ngôn ngữ thứ hai. Ngay từ nhỏ, tôi may mắn được các cụ cho đi học trường sơ Pháp, nói toàn tiếng Pháp. Bà sơ dạy tiếng Pháp lại gốc Ăng Lê nên tôi được học cả tiếng Anh, giọng Anh của tôi lai giọng Ăng Lê.

  • Vậy chị là người thấm đẫm văn hoá Tây Âu từ bé, trong lối suy nghĩ, hành xử và sinh hoạt trong đời sống gia đình chị có bị Âu hoá không? thoáng hơn, cởi mở hơn, thậm chí nổi loạn?

Tuy được giáo dục trường lớp Tây Âu nhưng nếp sống của tôi vẫn trong vòng lễ giáo vì bố tôi là người trọng Nho học nên làm gì thì làm tôi cũng phải khép vào khuôn khổ Việt Nam. Ước vọng của tôi vẫn là được tự do và phóng khoáng, nên một ngày nào đó nó bung ra. Khi qua đến Mỹ tôi hấp thụ được văn hoá và lối suy nghĩ của họ nên trong lối hành xử tôi thấy thoải mái và tự do hơn.

  • Cầu chúc cho tiếng hát vượt thời gian của chị còn hoài cho khán thính giả ái mộ được thưởng thức mãi.

nhacxua.vn tổng hợp

LEAVE A REPLY

Please enter your comment!
Please enter your name here