“Đồi thông hai mộ” ở Hồ Than Thở – Hồ Sương Mai và 2 câu chuyện tình bất diệt

0
1198

Ngày nay, khi đưa du khách đến Đà Lạt tham quan danh thắng Đồi Thông Hai Mộ bên hồ Than Thở, thì các hướng dẫn viên du lịch sẽ kể về mối chung tình thời hiện đại của đôi nhân tình Vũ Minh Tâm và Lê Thị Thảo là những cái tên được khắc rành rọt trên bia mộ, họ không nói gì về địa danh nguyên thủy là hồ Sương Mai, cũng như thế, họ không nhắc nhở gì về danh tính của đôi nhân tình Hoàng Tùng và Mai Nương vốn đích thực mới là chủ nhân gởi thân xác trong đôi mộ huyễn hoặc giữa sườn đồi thông đẫm tình ma mị.

Ngay cả chính cư dân Đà Lạt sống ở quanh khu vực ấy, không phải ai cũng biết đến mối uẩn tình về họ: Hoàng Tùng và Mai Nương! Bởi lẽ, câu chuyện đã có từ rất lâu rồi và vì tính chất quá bi thảm của nó nên không ai muốn nhắc nhớ về nó cả, nó xảy ra trước cả thời mà hồ nước dưới chân ngọn đồi thông có tên là hồ Sương Mai, một cái tên đã mai một trong trí nhớ người đời, đã chìm dần vào quên lãng thế gian, thay thế vào đấy, một cái tên khác mang định mệnh buồn tủi được gọi cho đến nay: Hồ Than Thở…

–|–

Cách Thành phố Đà Lạt 6km về phía bắc là Khu danh thắng hồ Than Thở nằm giữa bạt ngàn rừng thông, nơi có hai ngôi mộ nằm hiu quạnh, nhỏ bé dưới sườn đồi.

Theo ghi chép trong cuốn “Di tích danh lam thắng cảnh Lâm Đồng”, hai ngôi mộ đó là của Hoàng Tùng và Mai Nương. Chuyện xảy ra vào cuối thế kỷ 18, khi vua Quang Trung từ Phú Xuân ra Bắc đánh đuổi quân xâm lược nhà Thanh. Nơi đây, giữa núi rừng hùng vĩ, bên hồ nước biếc có đôi tình nhân trẻ chiều chiều thường gặp nhau hẹn hò. Cả chàng và nàng đều từ xuôi theo cha mẹ lên rẻo cao lập nghiệp để tránh chế độ hà khắc của chúa Nguyễn. Hoàng Tùng theo tiếng gọi non sông chia tay Mai Nương bên hồ….

Người đi chưa về tin buồn đã đến, tin Hoàng Tùng tử trận báo về, Mai Nương buồn rầu quyết chết theo người yêu và mộ nàng được chôn bên hồ. Mấy tháng sau, Hoàng Tùng trở về tìm lại người xưa, thấy Mai Nương không còn nữa, chàng nguyện suốt đời ở vậy để trọn tình cùng nàng. Mấy năm sau, triều đại Tây Sơn sụp đổ, Nguyễn Ánh chiếm được Phú Xuân. Đau đớn vì tình riêng, xót xa vì vận nước, Hoàng Tùng nhảy xuống hồ để theo Mai Nương.

Một thiên tình sử khác vào thập niên 1950 thì kể rằng, người nằm dưới mộ là cô gái con gia đình công chức nghèo tên Thảo và chàng trai tên Tâm con một điền chủ ở Gò Công. Người con trai tên là Tâm, vì là con một nên cha mẹ bắt có vợ sớm để có con nối dõi. Chàng vì một phần chưa muốn có gia đình, phần khác lại không muốn làm cha mẹ buồn nên lén đầu quân vào trường võ bị Đà Lạt. Thời gian học ở đây, chàng quen Thảo.

Hai người tâm đầu ý hợp, yêu nhau tha thiết, hẹn biển thề non. Ra trường, Tâm về xin cha mẹ trầu cau cưới hỏi… nhưng gặp phải sự cản trở quyết liệt của gia đình. Cha mẹ chàng bắt chàng cưới người con gái mà chàng không hề yêu mến. Vì lẽ đó, Tâm đã xin chuyển đến một vùng chiến tuyến. Từ khi Tâm rời trường võ bị ra chiến trường, Thảo vô cùng đau khổ khi biết cha mẹ Tâm không chấp nhận chuyện của hai người và còn thêm nỗi buồn lo cho người yêu đang vì mình mà lao vào tuyến đầu lửa đạn. Còn Thảo, dù không biết bao nhiêu người mối mai dạm hỏi, nàng một mực đợi chờ chàng trở lại. Những cánh thư từ chiến trường gửi về là niềm vui, là lẽ sống của nàng.

Đến một ngày, nàng nhận được tin báo tử từ chiến trường gửi đến. Quá buồn rầu nàng lâm trọng bệnh và mất. Trước khi mất nàng xin người nhà chôn nàng trên đồi thông, nơi mà trước kia hai người thường hẹn hò tâm sự. Nhưng thật ra Tâm chưa chết – người ta đã nhầm khi báo tử. Khi trở về Tâm mới hay Thảo đã chết và được chôn trên đồi thông vi vu gió ngàn. Vì quá đau buồn, Tâm xin trở vào vùng lửa đạn và đã hy sinh trong một trận giao tranh ác liệt. Trước khi chết, anh để lại bức thư tuyệt mệnh với ước nguyện được chôn xác bên cạnh mộ nàng để hai người mãi mãi gần nhau. Gia đình, bạn bè đã chôn xác anh kề bên ngôi mộ cô giáo Thảo và tạo thành ngôi mộ đôi nổi tiếng.

Sau 1975, cha mẹ Tâm đã thuê người lên Đà Lạt bốc phần mộ anh đưa về quê vì lúc này họ đã tuổi cao sức yếu, không thể thường xuyên lên thăm mộ con. Dù phần mộ chàng trai đã được dời đi nhưng cảm thương mối tình của người con gái, cha mẹ, người thân của nàng vẫn để ngôi mộ đôi. Sau này, chính quyền Đà Lạt đã sửa sang, xây lại ngôi mộ khang trang, trở thành điểm tham quan du lịch độc đáo trên thành phố hoa thơ mộng.

Giải mã tiếng khóc bí ẩn

Chuyện xưa là vậy, nhưng vài năm gần đây nhiều tin đồn về hiện tượng ly kỳ, giật gân xảy ra ở đồi thông này. Mở đầu là tin đồn về du khách chụp hình tại mộ cô Thảo nhưng khi rửa hình lại thấy bóng ma thấp thoáng phía sau, cả hai du khách đều chết một cách bí ẩn sau một thời gian mắc căn bệnh kỳ lạ. Có người lại nghe tiếng khóc ai oán rầu rĩ khi đi ngang khu vực này vào buổi trưa hay khi chạng vạng tối. Liên tiếp sau đó là những vụ án mạng diễn ra. Người ta đồn rằng, những chuyện xảy ra đều do “ma xui quỷ khiến”, hay do linh hồn chưa được siêu thoát, khiến cho khu du lịch đẹp này luôn bí ẩn, gây hoang mang cho nhiều du khách.

Để tìm lời giải cho những bí ẩn trên, chúng tôi có cuộc tiếp xúc với ông Hiền, Trưởng phòng tư liệu Sở văn hóa thông tin và du lịch Đà Lạt. Theo ông, hồ Than Thở khởi thủy là một hồ nước nhỏ, trong chương trình chỉnh trang Đà Lạt, người Pháp đã cho ngăn đập tạo thành hồ nước lớn tên là Lac des Soupirs. Về sau, theo đề xuất của ông Nguyễn Vỹ, Chủ tịch Hội đồng thị xã lúc bấy giờ nên đổi tên thành hồ Than Thở. Sau năm 1975, hồ Than Thở được đổi tên thành hồ Sương Mai, nhưng người dân Đà Lạt mỗi khi nhắc đến hồ đều gọi là hồ Than Thở nên sau đó hồ được khôi phục lại tên cũ.

Ở đây, phong cảnh khá đẹp lại thoáng mát, lối vào đồi thông và vào hồ nước không được rào chắn, nên nhiều bạn trẻ thường chọn nơi này để hẹn hò tâm sự. Đây cũng là khu vực cách xa với khu dân cư lại khá vắng vẻ nên nhiều bạn trẻ vì xốc nổi đã chọn nơi này để tìm đến cái chết, mà không được phát hiện để cứu chữa, cũng là nơi thuận tiện để bọn xấu lợi dụng. Còn về việc hình ma lấp ló sau tấm ảnh của du khách hoàn toàn chỉ là tin đồn thất thiệt. Riêng việc hai ngôi mộ trong khu du lịch hồ Than Thơổng cho biết, tất cả các địa danh du lịch ở Đà Lạt đều gắn với những truyền thuyết riêng và gắn liền với đời sống tâm linh của con người Đà Lạt bao đời nay.

Khi chúng tôi hỏi về tiếng khóc mà nhiều người nói đã nghe trên đồi thông, chị Xuân, người bán hàng rong tại khu du lịch hồ Than Thở xua tay cười nói: “Làm gì có chuyện ai khóc than, nếu có như vậy thì chị đã nghe thấy, trưa nào chị chả tranh thủ ngả lưng ở đây”. Chị còn cho biết thêm: “Có thể nhiều người nơi xa đến không phân biệt được tiếng thông reo nên tưởng tượng ra thôi”. Không chỉ chị Xuân, nhiều người dân, tiểu thương bán hàng lưu niệm tại khu du lịch đều phủ nhận chuyện ma quái trên. Theo họ, nếu thật sự có chuyện ma quái thì chính họ mới là người thấy đầu tiên vì họ thường xuyên ra vào nơi đây.

Dạo một vòng quanh khu danh thắng hồ Than Thở vào một buổi trưa thanh tịnh, con đường dẫn đến đồi thông bỗng trở nên trống trải hoang vu lạ thường. Dù vẫn biết nơi đây từng xảy ra nhiều cái chết thương tâm hay những sự việc không mong muốn do địa hình cách biệt, nhưng vẻ đẹp của núi rừng và cái đẹp của lòng thủy chung tình yêu đôi lứa, khiến lòng người như trùng xuống, thanh thản đến lạ thường.

Theo phapluatxahoi.vn

Năm 1965, nhạc sĩ Hồng Vân khi đến thăm hai ngôi mộ này bên Hồ Than Thở, ông đã tức cảnh sinh tình viết nên ca khúc nổi tiếng Đồi thông hai mộ”. Ở cuối bản thảo của ca khúc nhạc sĩ viết: “Em ơi dưới lòng đất lạnh… Chỉ hai đứa mình để dệt lại chuyện xưa”.

LEAVE A REPLY

Please enter your comment!
Please enter your name here