Nhạc Trung Thu ngày xưa – Những giai điệu khó quên của một thời…

0
1111

Ngồi chờ tại một mỹ viện chăm sóc da, tôi chợt giật mình khi một phụ nữ trên 60 gợi chuyện cùng mọi người:

– Trung thu sắp đến rồi. Ngày xưa, giờ này bọn mình cùng học xếp lồng đèn giờ thủ công, và hát những bản nhạc thiếu nhi trung thu trong giờ nhạc. Còn bây giờ, cháu nội ngoại không chúi mũi vào game online, cũng tivi hoặc phờ phạc học hành, lấy đâu vui trung thu.

Như được mở lòng, nhiều phụ nữ trung niên cũng góp chuyện… Mọi người đếu nhắc về những giai điệu trẻ trung, đơn sơ mà ngày xưa họ từng trải qua. Một phụ nữ khác mập mạp cho biết bà rất nhớ bản nhạc trung thu mang âm hưởng dân ca như Một Đàn Chim Nhỏ (của Phạm Duy):

Một trời Nam tròn trăng Thu
Em bé ra chờ xem chú Cuội đâu?
Ố tang tình tang! Ố tang tình tình!
Một đàn chim nhỏ bay đêm
Bay suốt năm liền tới cõi trần gian

Ố tang tình tang! Ố tang tình tình!
Bầy trẻ thăm hỏi: Cung trăng
Chú Cuội đâu vắng? Cô Hằng đâu xa ?
Ố tang tình tang! Ố tang tình tình!

Ðộng lòng thương trẻ ngây thơ
Bầy chim nhỏ bé bay vô trả lời
Ố tang tình tang! Ố tang tình tình!

Từ ngày có hỏa tinh bay
Bay có ba ngày lên tới mặt trăng
Ố tang tình tang! Ố tang tình tình!
Cuội đành đem chị Hằng Nga
Tìm xứ xây nhà không biết ở đâu?

Tôi cũng đồng cảm với bà. Một bản nhạc thiếu nhi mang âm hưởng dân ca thật ngây thơ và thực tế khi những phi hành gia lên cung trăng không thấy chị Hằng và chú Cuội, các em thiếu nhi có thể hiểu, chú Cuội mang chị Hằng đi mất từ lúc con người ngắm nghé “ghé chơi” mặt trăng.

Tôi lại nhớ bản nhạc Ông Trăng Xuống Chơi:

Ông trăng xuống chơi cây cau thì cau sẽ cho mo
Ông trăng xuống chơi học trò thì học trò cho bút
Ông trăng xuống chơi ông bụt thì ông bụt cho chùa
Ông trăng xuống chơi nhà vua thì nhà vua cho lính

Ngày xưa cô giáo tôi đưa giải thích bài hát này là: Muốn kết bạn cần phải có một điểm nổi trội để thu hút bạn, cần sự “có qua có lại”. Nhưng khi đã là bạn rồi, thì chẳng cần phải có  một sự “mua chuộc” hoặc “ân điển” nào cho bạn. Nếu có, bạn cũng không cần. Vì vậy, khi ông trăng xuống chơi rồi thì: Ông trăng trả vợ đàn ông, trả chồng cô gái trả trái cây cà…, cuối cùng là trả mo cây cau… Vâng, đã là bạn thì không thể lợi dụng bạn hay lấy của bạn. Một bài học cho tình bạn thật đơn sơ, giản dị.

Không ai có thể quên những âm điệu rộn ràng của bài hát Rước Đèn Tháng Tám:

Tết Trung Thu rước đèn đi chơi
Em rước đèn đi khắp phố phường
Lòng vui sướng với đèn trong tay
Em múa ca trong ánh trăng rằm

Dù biết chẳng thể lên cung trăng, con nít thời trước vẫn vui vẻ cầm đèn đi khắp xóm. Cần nói thêm thời đó xe cộ ít, và người lớn đặt mọi ưu tiên cho trẻ con…

Sài Gòn chỉ hai mùa mưa nắng, đêm trung thu thường bị mưa nên bọn con nít thời đó thường rước đèn trước trung thu hằng tháng trời. Vừa đi vừa hát những bản nhạc quen thuộc mà bất cứ ai cũng biết, rồi chúng tôi cũng chẳng biết ai đã dạy? Cô giáo, ba mẹ hay nghe radio, tivi hát hoài mà thuộc lòng?

Một phụ nữ khác ôm ốm nghe mọi người nhắc đến các bản nhạc trung thu, bỗng cao hứng hát:

Bóng trăng trắng ngà
Có cây đa to
Có thằng Cuội già
Ôm một mối mơ

Lặng im ta nói cho Cuội nghe
Ở Cung Trăng mãi làm chi…

Lời bài hát với những ca từ mộc mạc có thể bị vấp, bị quên, tức thì một giọng khàn khàn tiếp theo:

Các con dế mèn
Suốt trong đêm khuya
Hát xẩm không tiền
nên nghèo xác xơ

Đền công cho đế nỉ non
Trời cho sao chiếu ngàn muôn

Sáng rơi xuống đời
Sáng rơi trên cây
Sáng mỏi chân rồi
sáng ngồi xuống đây…

Từ trong ca khúc đường như hình thành một nét độc đáo của sự nhận thức: nghệ thuật không có chỗ cho đồng tiền, những con đế hát xẩm không tiền mới nghèo xác xơ. Vậy nhưng trời cũng trả công là những ngôi sao sáng. Ánh sao lại được nhân cách hóa đi lang thang xuống trần, đậu trên cây rồi mệt mỗi được các em thiếu nhi mời ngồi xuống… Thật là sự giáo dục tình yêu thiên nhiên, lãng mạn hóa cuộc sống và phong phú hóa tâm hồn trẻ thơ.

Tôi cũng nhắc lại ngày trước, thế hệ ba mẹ lại hát những bài đồng dao rất hay:

Ông giẳng ông giăng
Xuống chơi với tôi
Có bầu có bạn
Có ván cơm xôi
Có nồi cơm nếp

Có nệp bánh chưng
Có lưng hủ rượu
Có khướu đánh đu
Thằng cu vỗ chài
Bắt trai bỏ giỏ

Cái đỏ ẫm em
Đi xem đánh cá
Có rá vo gạo
Có gáo múc nước
Có lược chải đầu

Có trâu cày ruộng
Có muống thả ao
Ông sao trên trời…

Bài đồng dao cho thấy một cuộc sống đẩy “tiện nghi” đủ để mời ông trăng xuống chơi. Cuộc sống đó có được từ lao động vất vả nhưng không thiếu cung bậc của lãng mạn và thi vị của mùa trăng rằm.

Hôm nay, ngồi cùng những người bạn cùng thế hệ nhớ về những giai điệu trăng thu xưa, chợt nghe buồn buồn. Trên báo chí than thở giùm những người bán bánh trung thu với các gian hàng quạnh quẻ. Thi thoảng trên tivi có vài chương trình thiếu nhi hát về Lễ Hội Trăng Rằm… Đâu đó nơi các công viên văn hóa, trường học… cũng có vài chương trình văn nghệ đành cho thiếu nhỉ mùa trung thu. Đi quanh các nhà mở, giáo xứ, nhà chùa… thiếu nhi nghèo cũng được phát bánh kẹo, hoặc một chiếc bánh trung thu be bé từ những mạnh thường quân gởi tặng. Vâng, trung thu mọi người cũng nhớ đến các em thiếu nhi, cũng có những chương trình dành cho tuổi nhỏ như một hành động níu kéo một lễ hội sắp mai một hoặc biến dạng đi. Và ở góc nào đó trong tâm hồn những người lớn tuổi, họ cảm thấy một chút ngậm ngùi khi nhớ về không khí Lễ Hội Trăng Rằm ngày xưa.

Tác giả: Nguyễn Ngọc Hà
Trích từ cuốn sách “Sài Gòn Ký Ức Vượt Thời Gian”
Bạn đọc có thể tìm mua sách tại link này: https://tiki.vn/sai-gon-ky-uc-vuot-thoi-gian-p713690.html

LEAVE A REPLY

Please enter your comment!
Please enter your name here