Những ngày tháng cuối đời của nhạc sĩ Trúc Phương

0
1072

Bài viết của nhà báo Trần Quốc Bảo về những kỷ niệm sau cùng với nhạc sĩ Trúc Phương, được viết năm 2015 để tưởng niệm tròn 20 năm ngày mất của “ông hoàng nhạc bolero”.

Như một ánh chớp, ngoảnh lại đã tròn 20 năm dài (1995 – 2015). Con số thời gian không nhỏ, đối với nhạc sĩ Y Vân, người đã viết “60 năm cuộc đời” thì đó đã là một phần ba của đời người. Thời gian như cơn lốc, nó cuốn xoáy tất cả về một vùng trời vô định, để người nào còn ở lại sẽ cứ mãi ngẩn ngơ về những hư không, còn mất trên đời.

Tôi và nhạc sĩ Trúc Phương gặp nhau không nhiều, nhưng với 3 chuyến đi về thăm nhà Việt Nam, đều có duyên gặp được anh cả ba lần. Lần thứ nhất là năm 1994, hôm ấy các anh Thanh Sơn, Vinh Sử, Hoàng Trang, Tám Bến Tre chở tôi đến bịnh viện thăm anh. Hai anh em lần đầu gặp nhau tay bắt mặt mừng. Tôi chuyển đến anh 1 lá thư của chị Thanh Thúy, trong đó có thư, có quà, nhất là có cả một tấm lòng mênh mông của người ca sĩ nhờ tôi mang về. Anh nhận thư không mở ra ngay, mà nắm chặt tay tôi, đồng thời hai hàng nước mắt của anh bùi ngùi từ từ rơi xuống.

Trong giây phút xúc động đó, anh Trúc Phương đã nói với tôi: “Thời gian này anh bịnh quá, càng nằm một mình càng thấy xót xa. Hôm nay là ngày anh vui nhất. Nhớ cám ơn Thanh Thúy giùm anh, và cả Phương Hồng Quế, Giao Linh, Sơn Tuyền… cho anh gửi lời thăm hết mọi người thân, cứ mỗi lần nhận được thư lại xót xa nhớ bạn bè quá.”

Ngày 26 tháng 4 năm 1994, các anh Thanh Sơn, Vinh Sử, Hoàng Trang, Tám Bến Tre và Trần Quốc Bảo đến bịnh viện thăm nhạc sĩ Trúc Phương.

Tháng 2 năm 1995, khi tôi vừa về lại Saigon, mọi người hẹn hò tụ tập nhau trên lầu của quán 26 Đồn Đất. Đây là quán của chị Khánh, chị ruột ca sĩ Duy Thanh, lần nào tôi về mọi người đều hẹn ở đây. Dù chỉ là thuần túy họp mặt tính cách gia đình, nhưng để tránh bị để ý, 30 nhạc sĩ kéo hết lên gác ngồi ăn uống trên đó. Tiếng cười, tiếng nói xôn xao cả một vùng trời với Thanh Sơn, Ngọc Sơn (trước 75), Mặc Thế Nhân, Bảo Thu, Vinh Sử, Đài Phương Trang, Hoài Nam, Hàn Châu, Khánh Băng, Thăng Long, Hoàng Trang, Tám Bến Tre, Hồng Vân (Trần Quý), Quốc Dũng, Đynh Trầm Ca, Tô Thanh Tùng, Tâm Anh, Châu Kỳ… Hôm đó thiếu Lê Hựu Hà, Tuyết Mai (vợ trước của anh Duy Khánh), danh hài Phi Thoàn…

Mọi người đang ngồi cùng cười nói thì có tiếng ho sù sụ từ dưới đi lên gác. Tiếng ho như những tràng liên thanh không dứt. Mọi người cùng im lặng hẳn lại để nhìn về phía cầu thang. Lúc đó nhạc sĩ Trúc Phương mặt mày xanh xao, thân hình gầy còm đang lững thững đi lên. Hôm đó anh mặc chiếc sơ mi trắng rộng mênh mông, khó lòng ai có thể nhận ra nếu không nhờ vào đôi mắt kiếng dầy cộm và nụ cười hiền hòa cố hữu. Anh ho như người bị suyễn lâu ngày, đã vậy còn phải bước lên gác cao, chân đi liêu xiêu chập choạng. Khi bước lên tới nơi, mặt anh không còn một chút máu, bạn bè phải dìu anh vào chỗ ngồi.


Từ trái: Ngọc Sơn, Trúc Phương, Trần Quốc Bảo, Thanh Sơn, Hoài Nam, Hàn Châu, Vinh Sử. Ảnh chụp tháng 2 năm 1995 tại quán 26 Đồn Đất

Tôi vui mừng lại chào anh, và cố nhìn thật kỹ khuôn mặt khắc khổ đó – với biết bao nhiêu đắng cay chịu đựng dập vùi từ sau ngày đứt phim 1975. Nhìn anh, mà xót xa vô cùng, quả đúng là một tài hoa bên trời lận đận.

Trước khi ra về, anh gửi tôi 1 lá thư dầy cộm, nói nhỏ: “Khi nào Bảo về Mỹ, gửi Thanh Thúy dùm anh. Có 1, 2 bài anh mới viết để kịp giao cho Bảo. Giúp anh nhé”. Anh vừa nói, vừa mở bao thư, tôi thấy đầu đề thấp thoáng tên bài hát là Xin Cám Ơn Đời. Nghe tựa đề thôi đã thấy buồn vì thấy một nỗi bất công nào đó phủ lấp lên định mệnh anh. Một tài danh Trúc Phương với hàng trăm ca khúc tràn ngập những nẻo đường, thị thành, làng mạc, mà giờ đây tiều tụy, bơ vơ, còm cõi, xanh xao. Nếu như là người khác thì đã hận đời biết là bao, vậy mà anh vẫn bao dung với nghịch cảnh của mình, lấy tim óc viết thành bài hát Xin Cám Ơn Đời. Quả là thương anh quá. Tôi càng xót xa hơn khi nhìn Phiên Khúc 3 của bài hát, Trúc Phương đã viết: “Giờ vướng cơn đau, còm cõi xanh xao, những cơn đau tuổi xuân rớt lại. Cám ơn em, bè bạn nơi nơi, gởi chút xót xa người, thêm đôi tuổi trời, thở hơi thở ấm ơn đời”. Có lẽ anh xúc động trước những tình thương yêu dấu gửi về, nên đã soạn thành bài hát Xin Cám Ơn Đời. Hình như Trúc Phương đã nói đây là bài hát cuối cùng của anh.

Bảy tháng sau, tháng 9 năm 1995, tôi có việc gia đình phải bay về Việt Nam. Trước khi về, chị Thanh Thúy căn dặn tôi, khi về tới Saigon, phải đưa gấp phong thư quà cho anh Trúc Phương vì nghe đâu mấy tuần qua anh vào bịnh viện thường xuyên. Máy bay vừa đáp cánh, về đến khách sạn, tôi gọi ngay cho anh Thanh Sơn thì tác giả Nỗi Buồn Hoa Phượng giọng buồn bã, nói như không thành lời báo tin: “Trúc Phương mới mất cách đây 20 phút. Bảo hiện ở đâu, tôi lại chở Bảo đến xem tình hình anh ấy thế nào”. Chỉ nửa tiếng sau, tôi và Thanh Sơn đã có mặt ở nhà xác. Lúc đó, anh nằm cô đơn một mình. Gia đình cũng mới hay tin và các cháu cho biết sẽ tới ngay lập tức.

Nhìn anh, một tài năng lừng lẫy thắp cánh tô hồng cho biết bao nhiêu danh ca nổi tiếng với những bài nhạc của anh. Đáng ra khi sống, anh phải giàu lắm. Khi nằm xuống như hôm nay, anh sẽ có biết bao người đến, vạn bó hoa dâng và hàng triệu giọt lệ đầm đìa. Vậy mà quanh anh chẳng có gì cả, ngay cả tiếng khóc của đám bên cạnh văng vẳng cất lên cũng không phải là tiếng khóc dành đến cho người. Không lẽ đời lại bất công với anh như thế quá hay sao.

Người có thể bất công với nhau, nhưng tôi nghĩ, với Trời thì không. Đêm 18 tháng 9, một buổi tối thứ hai vốn dĩ là ngày ít ồn ào nhất trong tuần. Đêm nay lại càng hiu quạnh và cóng lạnh vì những cơn mưa bão bất ngờ bay qua Saigon. Sau những ánh chớp sáng lóe rồi vụt tắt liên hồi như muốn báo cho người Saigon một thông điệp vô hình nào đó. Sau 8g tối, mưa như thác từ trời đổ xuống, những lượng nước mênh mông ập xuống Saigon. Những con phố mọi khi tấp nập ồn ào đêm nay đã đi ngủ sớm. Chẳng hiểu vì sao, miệng tôi lại cất lên một khúc tình quen thuộc của anh:

“Đêm chưa ngủ nghe ngoài trời đổ mưa từng hạt rơi,
gác nhỏ đèn le lói bóng dáng in trên tường loang”
(Mưa Nửa Đêm – Trúc Phương)

Và cái câu làm tôi ngậm ngùi nhất trong đêm, là câu:

“Ngoài hiên mưa tuôn mưa lạnh xuyên qua áo ai. Canh dài nghe bùi ngùi
Mưa lên phố nhỏ có một người vừa ra đi đêm nay
để bao nhiêu luyến thương lại lòng tôi”

Càng nghe, càng liên tưởng đến những lời anh đã viết hình như cho sự ra đi của chính anh sau này.

20 năm đã qua, mà sao chẳng bao giờ tôi có thể quên được Trúc Phương, nhất là cơn mưa nửa đêm trong ngày anh nằm xuống.

Nhà báo Trần Quốc Bảo

nguồn: thanhthuy.me

LEAVE A REPLY

Please enter your comment!
Please enter your name here