Vén màn bí ẩn của cuộc đời nhạc sĩ Hoàng Nguyên

0
1492

Trong cuộc sống ngắn ngủi 43 năm của mình, nhạc sĩ Hoàng Nguyên đã để lại cho đời nhiều ca khúc bất tử: Ai Lên Xứ Hoa Đào, Bài Thơ Hoa Đào, Cho Người Tình Lỡ, Tiếng Hai Đêm… Ngoài ra, cuộc đời ông cũng như một màn sương bao phủ lên những bí ẩn chưa có lời đáp. 46 năm qua kể từ ngày ông qua đời vì một vụ tai nạn xe hơi kỳ lạ, những lớp bụi mờ che khuất sự thật về cuộc đời ông sẽ ngày càng dày thêm trong sự lãng quên vô tình của thời gian.

Nghi vấn về hoạt động chính trị của nhạc sĩ Hoàng Nguyên

Ngay từ thời điểm nhạc sĩ Hoàng Nguyên mất, là vào ngày 21/8/1973, báo chí Sài Gòn đã có nhiều tranh cãi. Người ta cho rằng ông đã “bị lộ thân phận là nằm vùng” nên bị “thủ tiêu”.

Thông tin đó không phải không có lý, vì nhạc sĩ Hoàng Nguyên đã tham gia Việt Minh từ thập niên 1940. Sau khi dinh tê về thành trong thập niên 1950, ông đã viết ca khúc “Anh Đi Mai Về” với một tâm thế kháng chiến rất rõ ràng. Cùng lúc đó là ca khúc khác: Đàn Ơi Xa Rồi, có lời ca nhắc nhớ những ngày ông tham gia cách mạng ở liên khu 4:

“Quên đi những chiều nhìn mây vương sau đèo
Nắng vàng đùa thông reo bên bờ dòng suối lắng
Cùng nhau vỗ súng ca cho đời biên khu

Xa rồi ơi đàn
Đâu đêm trăng vàng cùng chung vui bên rừng
Tiếng trầm hùng vang vang, bóng từng đoàn chiến sĩ
nguyền dâng sức sống cho quê nhà…”

Ngoài ra khi lên Đà Lạt sinh sống, dạy học, nhạc sĩ Hoàng Nguyên còn tham gia hoạt động phong trào văn hóa Phật giáo chống chính quyền Ngô Đình Diệm.

Trong một lần, 2 nhạc sĩ Hoàng Nguyên và Hoàng Thi Thơ (cũng là một nhạc sĩ từng tham gia hàng ngũ Việt Minh) tổ chức đại nhạc hội tại Đà Lạt, thì Trưởng Ty Cảnh Sát Đà Lạt đã chụp mũ cho đây là hình thức tổ chức hoạt động văn hoá để quy tụ lực lượng, chống phá chính quyền mới, nên đưa người đến bắt và khám xét căn nhà trọ của Hoàng Nguyên. Trong tủ sách của chàng nhạc sĩ nhập cư lúc bấy giờ có giữ hai bản nhạc Tiến Quân CaThiên Thai của Văn Cao. Vì lý do này mà nhạc sĩ Hoàng Nguyên bị đày đi Côn Đảo.

Sự nhầm lẫn về thông tin cá nhân

Thông tin cá nhân của Hoàng Nguyên (tên thật là Cao Cự Phúc) cũng bị nhầm lẫn trong một thời gian dài. Trước đây người ta cứ đinh ninh rằng ông sinh vào ngày 3/1/1932 ở Quảng Trị. Tuy nhiên vào năm ngoái, trong một cuộc hội thảo về cuộc đời của nhạc sĩ Hoàng Nguyên do hội VHNT tỉnh Nghệ An tổ chức, có sự tham gia của người thân trong dòng họ của nhạc sĩ, nhiều tài liệu mới về Hoàng Nguyên đã được công bố. Thông tin chính thức của Hoàng Nguyên là ông sinh ngày 3/1/1930 tại xóm Chợ Mới (nay là xóm 2, xã Diễn Bình)  tỉnh Nghệ An.

Việc nhầm lẫn về năm sinh và nơi sinh có hai nguyên nhân: Do khi vào học Trường Quốc học Huế đã quá tuổi nên ông phải khai xuống 2 tuổi để được vào học; đến tuổi đi học ông vào Quảng Trị sống với cha, các em và mẹ kế nên các tài liệu ghi nhầm quê quán tại đây.

Dòng họ Cao Cự của nhạc sĩ Hoàng Nguyên ở Diễn Bình là một chi của họ Cao Đại Tôn ở Nho Lâm – Diễn Thọ. Ông nội của Hoàng Nguyên – Cao Cự Phúc có hai vợ. Cha của Hoàng Nguyên, ông Cao Cự Bành, là con bà cả. Hiện nay, con hai bà vẫn còn vài người đang sống tại xóm 2, xã Diễn Bình. Căn nhà nơi Hoàng Nguyên sinh ra hiện vẫn còn dấu tích.

Theo một bài viết của nhà báo Thụy Kha đăng trên báo Người Lao Động, cho biết rằng nhạc sĩ Hoàng Nguyên mê nhạc và họa từ nhỏ. Ông học trường huyện (nay là Trường THPT Nguyễn Xuân Ôn), lúc ấy Nghệ An thuộc vùng tự do Khu Bốn. Bởi thế, ông từng được học nhạc của nhạc sĩ Nguyễn Văn Thương từ Huế ra tham gia Toàn quốc kháng chiến. Hoàng Nguyên còn đem kiến thức nhạc họa dạy cho lớp ít tuổi hơn ở làng. Trong số những người đó có giáo sư Cao Cự Bội (giáo sư đầu ngành của Ngân hàng Việt Nam) – về vai vế trong họ, ông là chú của Hoàng Nguyên nhưng về tuổi tác thì thua 6 tuổi.

Năm 1948, Hoàng Nguyên nhập ngũ và tham gia Văn Công quân đội ở Khu Bốn. Năm 1950, trong số những người “dinh tê”, có những người được Việt Minh bí mật đưa vào địch hậu để nhận những nhiệm vụ đặc biệt khác nhau, cài vào cơ quan đối phương theo nhiều cách thức.

Thông tin từ buổi hội thảo tại Nghệ An đã nói ở trên, cũng cho rằng nhạc sĩ Hoàng Nguyên đã được lãnh trách nhiệm như thế khi theo cha vào Quảng Trị. Từ Quảng Trị, ông vào học tại Trường Quốc học Huế. Để đủ tuổi đi học, lý lịch Hoàng Nguyên đã thay ngày tháng năm sinh là 3-1-1932 và nơi sinh là Quảng Trị. Sau Trường Quốc học Huế, ông vào Đại học Huế được thời gian ngắn rồi bỏ học.

Việc nhạc sĩ Hoàng Nguyên hoạt động theo phe phái nào thì cũng đều đã trở thành một phần của lịch sử vẫn đang còn đang tranh cãi. Tuy nhiên có một sự thật là năm 1965, Hoàng Nguyên vào quân ngũ ở Sài Gòn dưới quyền đại tá nhạc sĩ Anh Việt, và trong các sáng tác của mình thập niên 1970, ông đã thể hiện niềm mến yêu quê hương miền Nam, nơi ông sinh sống và làm việc, đặc biệt trong đoạn sau của bài hát Tiếng Hai Đêm:

Miền Nam nắng ngập xanh rờn ngọn má
Nơi đây ta lại cấy cày
Có sức người, ruộng ta lại tốt tươi…

Ruộng xanh xanh cả tình thương
Ruộng ta không còn hoen màu máu
Từ nay lúa về với người
Vang tiếng cười
Đời ta lại sáng tươi…

Cuộc đời nổi trôi của nhạc sĩ Hoàng Nguyên

Cuộc đời nổi trôi với số phận nhiều ly kỳ của nhạc sĩ Hoàng Nguyên được nhiều nơi kể lại như sau:

Sau Hiệp định Genève, Hoàng Nguyên lên Đà Lạt, dạy học tại Trường Tư thục Tuệ Quang thuộc chùa Linh Quang ở khu số 4 do Thượng tọa Thích Thiện Tấn làm hiệu trưởng. Hoàng Nguyên dạy môn Việt văn và nhạc. Nhạc sĩ Nguyễn Ánh 9 là học trò của Hoàng Nguyên lúc đó.

Những năm tháng ở Đà Lạt, Hoàng Nguyên đã viết “Ai Lên Xứ Hoa Đào” và “Bài Thơ Hoa Đào”. Hai nhạc phẩm này luôn ở trong danh sách những ca khúc hay nhất viết về Đà Lạt. Năm 1956, trong một đợt truy lùng của chính quyền Sài Gòn, ông bị nghi vấn có hoạt động chống chính phủ quốc gia nên bị bắt và đày ra Côn Đảo.

Ở Côn Đảo, nhạc sĩ Hoàng Nguyên được chúa đảo mến mộ, đưa về tư gia dạy nhạc và Việt văn cho con gái. Không ngờ, lửa tình giữa chàng nhạc sĩ và ái nữ chúa đảo (19 tuổi) bùng cháy mãnh liệt. Cuộc tình ấy đã cho kết quả là ái nữ chúa đảo mang thai. Chúa đảo đã buộc Hoàng Nguyên phải hợp thức hóa chuyện tình thành chuyện trăm năm và hứa trả tự do cho ông. Như lời hứa của chúa đảo, nhạc sĩ được trả tự do về lại Sài Gòn, vừa dạy học ở Trường Tư thục Quốc Anh vừa sáng tác.

Năm 1961, Hoàng Nguyên theo học tại Đại học Sư phạm Sài Gòn, ban Anh văn. Trong thời gian học đại học, do sớm nổi tiếng, Hoàng Nguyên quen biết Thị trưởng TP Phan Thiết tên là Phạm Ngọc Thìn. Vợ thị trưởng này là nữ diễn viên Huỳnh Khanh, vì mến mộ tài năng Hoàng Nguyên nên nhận ông là em nuôi và nhờ ông dạy kèm cô con gái Phạm Thị Ngọc Thuần. Lại thêm một lần thầy trò yêu nhau. Lần này thì Hoàng Nguyên trở thành con rể của thị trưởng Phan Thiết.

Năm 1965, Hoàng Nguyên bị động viên vào Khóa 19 Trường Bộ Binh Thủ Đức. Ra trường được thuyên chuyển về Cục Quân Cụ, dưới quyền của Đại tá nhạc sĩ Anh Việt. Trong một chuyến công tác bằng xe Jeep ở miền Đông năm 1973, Hoàng Nguyên qua đời tại dốc 47 Vũng Tàu vì một vụ tai nạn xe hơi đầy bí ẩn.

nhacxua.vn tổng hợp và biên soạn

LEAVE A REPLY

Please enter your comment!
Please enter your name here