Ca khúc Tưởng Niệm (Trầm Tử Thiêng) – Niệm khúc cho nỗi bất lực trước cuộc đời

0
2983

Dưới một tựa đề ấn tượng, ca khúc Tưởng Niệm ra mắt công chúng vào năm 1972, năm khủng khiếp của “mùa hè đỏ lửa”. Trầm Tử Thiêng khi ấy dường như đang trải qua một cơn thất vọng ghê gớm, có thể do tình hình đất nước, nhưng chắc chắn là trong đời sống cá nhân, ông đã gặp nhiều trắc trở. Người nghệ sĩ có lẽ bị suy sụp nặng, chìm trong lo lắng, bi quan. Tác phẩm như co rút lại, thu mình trong góc nội tâm, để chỉ chuyển tải duy nhất một thông điệp da diết u sầu.

Tưởng Niệm được viết theo âm giai Sol thứ, nhịp ¾, là một bài hát tương đối ngắn, nhưng mỗi khuông nhạc lắm khi có đến ba, bốn tầng lời khác nhau. Ngắn, nhưng chắc nịch tỉ trọng và âm vang khắc khoải ngay từ câu đầu:

Ta nghiêng tai nghe lại cuộc đời,
thì hãi hùng hoàng hôn trờ tới.

Vì sao phải nghe lại cuộc đời? Vì sao hoàng hôn gây hãi hùng khi bất ngờ tiến tới ?

Cuộn phim đời người, một lúc nào đó, sẽ quay đến cảnh chung cho hết thảy nhân loại : giờ phút điểm lại cuộc hành trình nhân sinh, sớm muộn gì rồi cũng đến.

Hoàng hôn là lúc ta đi đã gần xong phía triền xuống, trên đồi núi cuộc đời. Nhưng hoàng hôn rất có thể chỉ hiện diện trong tâm trí kẻ tuyệt vọng. Hoàng hôn bất chợt trờ tới – cái từ rất “mộc” của nhạc sĩ – là vì ta chưa bao giờ để ý đến sự can thiệp của bánh xe thời gian: nó lù lù có đó, chiễm chệ ở mỗi góc ngõ đời người, lạnh lùng lăn nghiến trên từng trang kỷ niệm, dữ dội đến độ mới đó mà đã cướp đi của ta màu xanh mái tóc thư sinh… Và cảm giác hãi hùng sẽ xâm chiếm tâm hồn kẻ đang bị hụt hẫng, mất hết mọi điểm tựa cho hiện hữu mỗi ngày.

Hoặc cũng có khả năng là niềm cay đắng trong lòng tác giả đã trỗi dậy đúng vào lúc mặt trời bên ngoài sụp bóng: sợ hoàng hôn vì sợ bị nhận chìm trong biển tối cô đơn.

Ta nghiêng vai soi lại tình người,
thì bóng chiều chìm xuống đôi môi.

Trong giờ phút ấy, “soi lại tình người” là hết sức tự nhiên. Bởi động cơ thúc đẩy “nghe lại cuộc đời” chính là mong muốn hình dung lại những mốc chính, những sớm hôm đáng nhớ có bạn bè, người thân – hay có thể kể thêm cả kẻ quen biết gần xa, đã cho ta đậm vị những đắng ngọt buồn vui trên quãng đường đã bước: giờ phút ấy, còn đếm được mấy ai để mà trông cậy, còn đâu những đợi chờ tri kỷ?

Chất thơ toát ra từ câu nhạc, bàng bạc giữa trời chiều, mời gọi vào thế giới riêng tư của tác giả dưới màu sắc lăng kính mỹ học Trầm Tử Thiêng.

“Ta nghiêng vai soi lại” trên dòng sông ký ức có thể là để mê say ngắm chính bóng mình, giống như gã thợ săn Narcisse trong thần thoại Hy Lạp chăng?

Không thể, khi ta đối chiếu với phong cách và tâm hồn người viết. Song, tư thế “nghiêng vai” soi nhìn thì hẳn là một. Mà ngay cả, nói cho cùng, sự cảm thương phận mình – dù đến từ Trầm Tử Thiêng hay bất cứ ai – cũng không phải là điều đáng ghét bỏ. Cũng như chẳng có gì là bất thường kỳ lạ, một khi động tác nhìn mình ấy không nhằm mục đích tự chiêm ngưỡng mà chỉ để phản tỉnh ngẫm lại những hành động đã qua.

Trên tấm gương hồi nội ấy, người chợt hấy “bóng chiều chìm xuống đôi môi”.

Môi là phần nhạy cảm thông minh bậc nhất trên người: chàng đã truyền đi tín hiệu xúc giác của một cuộc giáp mặt với lòng mình, với bóng dáng những gì đáng lưu luyến nhất.

Thâm Tâm có 2 câu thơ diễm tuyệt:

Bóng chiều không thắm không vàng vọt,
Sao đầy hoàng hôn trong mắt trong… 

Nhưng nếu Thâm Tâm đọc tâm tình người tiễn đưa trên ánh mắt, thì Trầm Tử Thiêng mấp máy với kỷ niệm qua làn môi. Môi của những lần tâm sự. Môi của quả cấm ngọt ngào.

Môi của tôi hay của em? Nào có quan trọng gì, khi sự hợp nhất đôi ta đã có lần lên tới tột đỉnh, khi cả không gian quay cuồng nhảy múa như chính vào giây phút này. Quả thực, người tựa hồ như đang trong trạng thái hôn mê:

Đang mân mê cho đời nở hoa
Chợt bàng hoàng đến kỳ trăn trối.

“Trăn trối” là một từ rất mạnh, chỉ dùng trước lúc lâm chung: chàng có vẻ như đã mất hết sự tỉnh táo, vì thực tế quá phũ phàng. Vì tất cả đều sụp đổ khi tình yêu tan biến:

Đang nâng niu cuộc tình lộng lẫy
Bỗng ngỡ ngàng vụt mất trong tay.

Chàng gào lên, qua phần điệp khúc đang chuyển nhịp dồn dập, để nói lên – một cách không chút rối loạn mà vô cùng chí lý – cái phi lý của cuộc đời:

Ta khổ đau một đời, để chết trong tình cờ
Ta tìm nhau một thời, để mất nhau vài giờ,

Cũng như những hoài mong vô vọng của người bình thường:

Bàn tay làm sao níu một đời vừa đi qua
Bàn tay làm sao giữ một thời yêu thiết tha.

Gào lên như vậy, chàng được vơi bớt nỗi đau. Thiêng bây giờ bình tĩnh hơn, để chững chạc thốt lên những lời châu báu:

Mang ơn em trao tình một lần
Là kỷ niệm dù không đầm ấm,

Cùng những xác tín bản thân, như được đóng đinh trên cây thập tự đời mình:

Mang ơn em đau khổ thật đầy
Là nắng vàng dù nhốt trong mây.

Lời đẹp, ý sâu, tâm đầy độ lượng. Ít khi ta được chứng kiến một tấm lòng bao la và một lối diễn tả tinh tế như vậy, trước một cuộc tình tan vỡ. Ẩn dụ “nắng nhốt trong mây” sang trọng, độc đáo. Ở đây, sự quảng đại tỷ lệ thuận với niềm riêng không che dấu, mở ra cùng lúc với những mỹ cảm mà hai câu ca ngắn ngủi đã gợi lên cho ta: một cảm giác lạ thường, như được truyền từ sự hóa thân siêu thoát của khổ đau thành ánh cầu vòng trên vòm tâm thức…

Tuyên bố mang ơn người yêu, mặc dù cuộc tình không mặn mà đầm ấm, mặc dù những vết thương còn đau xót trong lòng: một điều quả hiếm, có lẽ chỉ thấy ở riêng Trầm Tử Thiêng. Từ Công Phụng có viết bản nhạc Tạ Ơn Em từ thơ Du Tử Lê, nhưng là để vinh danh người bạn đời trăm năm tình nghĩa. Trịnh Công Sơn qua cả hai bài Tạ Ơn và Cho Đời Chút Ơn  đều cũng chỉ nói với đời nhiều hơn là với người yêu. Còn Phạm Duy, trong Nghìn Trùng Xa Cách, tuy có viết câu kết cao thượng sáng giá “Đường dài hạnh phúc cầu chúc cho người” – song cũng chỉ là lời gửi vói theo, ngày cô gái ông mê lên xe hoa về nhà chồng, đã không ngại lấy quyết định rũ bỏ ngay vào lúc ấy:

Trả hết cho người, cho người đi
Trả hết cho ai cả những chua cay.

Trầm Tử Thiêng không vậy. Chàng giữ hết cho mình những cay đắng khổ đau và một mực khẳng định lòng biết ơn đối với người tình cũ, cũng như đối với cuộc sống đầy cam go thử thách:

Mang ơn trên cho cuộc đời ta
Vài vạn ngày gió cuồng mưa lũ

Thêm một cái lớn nữa của nhạc sĩ. Những cái lớn giúp chàng hiên ngang đối mặt với định mệnh – hay đúng hơn – với khoảng trống vô biên rình rập sau nấc thang cuối cùng của mọi quá trình hiện hữu:

Trong cơn đau một vừng nhang khói
Kéo ta về, về cõi hư vô.

Nguyễn Đình Toàn trong Tình Khúc Thứ Nhất cũng đã từng mường tượng ra hương khói. Nhưng sự tương tự dừng ở đó, bởi Nguyễn Đình Toàn gợi ra không khí cúng bái là để nhắm thâu lại cho mình những gì hằng mơ tưởng:

Trầm mình trong hương đốt hơi bay,
mong tìm ra phút sum vầy.

Còn rầm Tử Thiêng không thế: trong cơn nghiệt ngã, chàng vẫn sẵn sàng chấp nhận cái tín hiệu khi nó đến cho bước cuối để nhập cõi đi về, với hai bàn tay trắng. Trinh trắng, để dâng lên cao niềm tri ân về những gì đã nhận được từ người và đời…

Bài hát Tưởng niệm như một tự sự, nếu không là một di chúc tinh thần nằm giữa xác tín và tuyệt vọng, lúc ông mới 35 tuổi.

Khói lửa lan tràn đã cướp đi những gì tươi mát nhất của tuổi trẻ và để lại trên bài ca dấu ấn những ưu tư, bi phẫn của cả một thời đại. Của sự già nua trước tuổi. Của phôi pha cuộc đời.

Song, bằng ma lực của ca từ và âm nhạc, bài hát – đặc biệt qua hơi giọng ténor vút thẳm, hiếm có trong hàng ca sĩ Việt, của Tuấn Ngọc – vẫn đưa được người nghe vào chiều sâu hun hút của tác phẩm, cống hiến một trải nghiệm sống cộng sinh cùng nghịch cảnh, một cái nhìn vượt mọi giới hạn.


Click để nghe Tuấn Ngọc hát Tưởng Niệm

Ngoài sự khám phá bi kịch cá nhân và tấm lòng người nghệ sĩ, nó còn cho ta cái cảm giác song song nắm bắt được những ẩn dụ của tác giả về một bi kịch khác: một giai đoạn lịch sử bội bạc, vô nhân, đã gây bao tang tóc đau thương, đã tước đoạt, đánh tráo, hoặc thủ tiêu mối tình thơ ngây trong sáng mà nhiều thế hệ Việt Nam đã dâng cho lý tưởng cao đẹp.

Cho nên, trái hẳn với sự độ lượng đáng quý mà Trầm Tử Thiêng đã gợi ra qua sự chọn lựa cá nhân và số phần riêng tư đời mình trong nhạc phẩm, về cõi hư vô – ở mức độ cộng đồng – sẽ là số phần tập thể tàn khốc đáng sợ nhất mà định mệnh cay nghiệt có thể dành cho tương lai, nếu trước sau vẫn tiếp tục dưới bầu trời quê hương cơn hội chứng đông miên dửng dưng bất động.

Nguồn: Tác giả Bùi Đức Hào – diendan.org

LEAVE A REPLY

Please enter your comment!
Please enter your name here