Ca sĩ Lệ Thanh – Những nuối tiếc về giọng hát một thời lừng lẫy

0
2948

Vào những năm của thập niên 1960 ở Sài Gòn, thời còn phòng trà Anh Vũ, Kim Sơn, Hòa Bình… đêm nào cũng có mặt người thư sinh là Đỗ Lễ rất yêu tiếng hát của nữ ca sĩ Lệ Thanh. Đó là ca sĩ có bàn tay không mấy đẹp với sắc vóc trung bình nhưng giọng ca nồng nàn với những nốt vuốt độc đáo mà hình như cho tới bây giờ chưa có người thay thế. Có người cho rằng tiếng hát ca sĩ Xuân Thu hơi giông giống Lệ Thanh, nhưng chỉ giống ở phần láy âm.


Click để nghe Lệ Thanh hát

Nhạc sĩ Đỗ Lễ đã để lòng mình mở rộng đón tiếng hát Lệ Thanh đi sâu vào cõi thầm kín nhất của tình si. Từ tiếng ca chất chứa nỗi lòng tan tác bởi chia ly của người nữ ca sĩ tài hoa này đã dẫn Đỗ Lễ vào bến si mê. Yêu giọng ca, yêu cả con người. khoảng năm 1963 – 1964 cũng là lúc Lệ Thanh lên xe hoa với một người khác. Trước tin này, Đỗ Lễ thất điên bát đảo trong tâm hồn và viết thành nhạc phẩm “Sang Ngang” với tấm lòng tan nát, ôm mối tình của hai con đường song song không bao giờ gặp nhau.

Lệ Thanh được đào tạo bởi nhạc sĩ Hùng Lân chung một lò với Ngọc Loan và Thu Hà. Sự nghiệp ca hát của cô tuy chỉ vỏn vẹn có khoảng 10 năm, kéo dài từ năm 1955 cho đến khoảng năm 1965, nhưng đã chinh phục được trọn vẹn cảm tình của khán thính giả đương thời.

Lệ Thanh có một chất giọng nghẹt mũi thật đặc biệt, phát ra những âm thanh tựa như người bị nghẹt mũi mà giọng vẫn vang lộng và chắc nịch mê hoặc lòng người. Phong cách trình bày bản nhạc của nàng cũng đặc biệt không kém: cô không hát liên tục một câu hát mà hay chia câu hát ra làm hai đoạn để ngừng và láy ở giữa câu rồi mới tiếp tục hát cho đến hết câu. Cô còn láy qua láy lại tiếng cuối của câu hát, tạo nên cảm giác mới lạ cho nhạc phẩm được trình bày.

Đang lúc danh vọng lẫy lừng như vậy, Lệ Thanh bỗng nhiên bỏ nghiệp ca hát và đi lấy chồng, để lại nhiều nuối tiếc trong lòng khách mộ điệu. Từ khi nàng giã từ sân khấu, có nhiều ca sĩ đã bắt chước cách hát đặc biệt của nàng để quyến rũ thính giả như Hà Thanh, Xuân Thu, hoặc Ngọc Lan tại hải ngoại sau này.

Về nhân dáng của Lệ Thanh, nhà báo Hồ Trường An mô tả như sau:

“Trên sân khấu, Lệ Thanh trang điểm tuy phơn phớt dịu nhẹ mà vẫn không bị ánh đèn lấn át hoặc nuốt chửng. Không khi nào Lệ Thanh mặc áo hoa hòe hoa sói. Thường thì cô mặc một màu thuần nhất, nhưng là màu tái và màu nguội: hường tái, vàng nâu, xanh pha chút xám bạc như lá liễu, lục pha chút nâu bạc như vỏ trái táo… Nếu mặc áo thêu hoặc áo in hoa thì hoa phải nhỏ cỡ như hoa linh lan, hoa ti gôn, hoa hường tiểu muội, nhưng chấm hoa phải rời xa chứ không chen khít vào nhau. Lệ Thanh tuy là ca sĩ, nhưng cô bám chặt vào hình ảnh một cô nữ sinh thơ mộng cho nhân dáng của mình”.

Trong các nữ nghệ sĩ nổi danh, Lệ Thanh là kẻ độc nhất không thích đăng ảnh trên báo chí. Cô nói là tại mình không ăn ảnh. Vì vậy cho đến nay, rất hiếm tìm thấy lại ảnh của cô. Hình ảnh có xuất hiện Lệ Thanh có lẽ là chỉ đếm được trên một bàn tay, và đó đều là những tấm ảnh chụp tập thể.

Ca sĩ Lệ Thanh được báo giới và công chúng đương thời nhận xét là khiêm tốn, ngoan hiền và thùy mị, đầy lòng tự trọng. Dù là ca sĩ nổi tiếng bực nhứt nhưng cô luôn tránh né đám đông một cách tối đa.

Sau khi lấy chồng là bác sĩ, Lệ Thanh giải nghệ và hoàn toàn mất tích, sau năm 1975 đi định cư ở Canada. Ngày 20 tháng 9 năm 1980, cô có trở lại sân khấu một lần duy nhất trong buổi ra mắt các sáng tác của nhạc sĩ Vy Hùng tại Montreal.

nhacvangonline.com tổng hợp

LEAVE A REPLY

Please enter your comment!
Please enter your name here