Cảm nhận âm nhạc: “Tình Khúc Thứ Nhất” – Những ca từ lấp lánh lãng mạn của nhà thơ Nguyễn Đình Toàn

0
1455

Vào cuối năm 1964, ca khúc “Tình Khúc Thứ Nhất”, nhạc của Vũ Thành An, lời của nhà thơ Nguyễn Đình Toàn được chính nhà thơ này hát lần đầu tiên trên Đài Phát thanh Sài Gòn và được sự tán thưởng nồng nhiệt của thính giả bấy giờ.

Ca khúc này được nhạc sĩ Vũ Thành An sáng tác theo lời yêu cầu của một người con gái, mà giờ đây ông xin được tạm gọi là “người bạn thân”. Người này biết ông có khả năng sáng tác nên muốn ông viết một ca khúc để kỷ niệm cuộc gặp gỡ của hai người. Trong cuốn Chuyện Tình Không Tên, nhạc sĩ kể lại câu chuyện tình với người con gái đã trở thành nguồn cảm hứng trong các bài hát Tình Khúc Thứ Nhất, Em Đến Thăm Anh Đêm 30, Bài Không Tên Cuối Cùng… như sau:

(trích dẫn)

“Khi ta mới quen nhau, em đã nhiều lần nói anh hãy viết một ca khúc để kỷ niệm mối tình của chúng mình. Thế nhưng anh cứ lần lữa hoài không viết. Một hôm em đã phải nhỏ những giọt nước mắt mà nói: “anh không yêu em sao mà không chịu viết?”. Và một buổi chều mùa xuân 1965, trên chuyến xe từ Vũng Tàu về Saigon, một dòng âm thanh vang lên trong đầu và anh đã viết xuống: Bài ca anh hứa cho em bấy lâu nay vẫn còn dang dở…

Anh đưa bài hát cho anh Nguyễn Đình Toàn xem, lúc ấy tụi anh cùng làm việc chung với nhau tại Đài phát thanh Saigon. Anh Toàn nói để anh ấy viết lời cho bài hát anh muốn dành tặng em. Thế là “Tình Khúc Thứ Nhất” lời Nguyễn Đình Toàn – nhạc Vũ Thành An ra đời.

“Tình vui theo gió mây trôi
Ý sầu mưa xuống đời
Lệ rơi lấp mấy tuổi tôi
Mấy tuổi xa người

Ngày thần tiên em bước lên ngôi
Đã nghe son vàng tả tơi
Trầm mình trong hương đốt hơi bay
Mong tìm ra phút sum vầy

Có biết đâu niềm vui đã nằm trong thiên tai
Những cánh dơi lẻ loi mù trong bóng đêm dài
Lời nào em không nói em ơi
Tình nào không gian dối
Xin yêu nhau như thời gian làm giông bão mê say

Lá thốt lên lời cây
Gió lú đưa đường mây
Có yêu nhau xin những ngày thơ ngây

Lúc mắt chưa nhạt phai
Lúc tóc chưa đổi thay
Lúc môi chưa biết dối cho lời…

Tình vui trong phút giây thôi
Ý sầu nuôi suốt đời
Thì xin giữ lấy niềm tin dẫu mộng không đền

Dù trời đem cay đắng gieo thêm
Cũng xin đón chờ bình yên
Vì còn đây câu nói yêu em
Âm thầm soi lối vui tìm đến

Thần tiên gẫy cánh đêm xuân
Bước lạc sa xuống trần
Thành tình nhân đứng giữa trời không
Khóc mộng thiên đường

Ngày về quê xa lắc lê thê
Trót nghe theo lời u mê
Làm tình yêu nuôi cánh bay đi
Nhưng còn dăm phút vui trần thế”

Không biết bây giờ em có còn giữ chiếc pin cài áo hình chiếc lá không? Nhưng em có biết không, hình ảnh của nó trên ngực áo em vẫn tồn tại trong tâm khảm anh suốt từ đó đến nay!

Khi anh và anh Toàn hoàn tất bài “Tình Khúc Thứ Nhất” thì tình cờ anh đọc được bài thơ “Em đến thăm anh đêm Ba mươi” trong tập thơ của anh Toàn. Khi đọc tới câu “Xin chiếc lá vàng làm bằng chứng yêu em”, anh lập tức nhớ ngay đến em. Hình tượng chiếc lá của chiếc pin cài áo đó chính là bằng chứng tình yêu của anh đối với em. Và anh đã quyết định phổ nhạc bài thơ của anh Toàn,

“Em đến thăm anh đêm Ba mươi
Còn đêm nào vui bằng đêm Ba mươi…”

(hết trích)

Tình khúc thứ nhất là bài hát được ra đời trong lúc trái tim của chàng nhạc sĩ Vũ Thành An đang say nồng với cuộc tình vui và êm đềm như áng mây trôi. Thế rồi bỗng dưng “thần tiên gãy cánh đêm xuân. Bước lạc sa xuống trần. Thành tình nhân đứng giữa trời không. Khóc mộng thiên đường”.

Khác với lời kể của nhạc sĩ Vũ Thành An một chút (nói rằng nhà thơ Nguyễn Đình Toàn viết lời nhạc dựa trên giai điệu đã sáng tác), trong tờ nhạc ca khúc Tình Khúc Thứ Nhất được phát hành trước 75 thì phần đầu đề lại ghi rằng: NHẠC: Vũ Thành An, soạn theo một bài thơ của NGUYỄN ĐÌNH TOÀN.

Dù thế nào đi nữa, thì phần ca từ của bài hát là một tuyệt tác của Nguyễn Đình Toàn với đầy chất thi phú mà hiếm bài hát nào có được. Bài hát Tình Khúc Thứ Nhất nhận được nhiều yêu thích, có lẽ đa phần là nhờ lời hát đẹp như thơ, lấp lánh lãng mạn và diệu kỳ của nhà thơ Nguyễn Đình Toàn. Ông nổi tiếng trong thời gian làm việc ở Đài Phát Thanh Sài Gòn với chương trình Nhạc Chủ Đề do ông thực hiện, được truyền đi mỗi tối thứ năm trong thập niên 1960, đã chinh phục hầu hết trái tim thính giả, từ hậu phương đến tiền tuyến, bằng một cách hành văn riêng lạ, một giọng đọc tâm sự thầm thì, thanh tao, huyền thoại.

Nhà văn, nhà thơ, nhạc sĩ Nguyễn Đình Toàn

Từ trước khi viết nhạc chung với nhạc sĩ Vũ Thành An thì Nguyễn Đình Toàn đã là một nhà thơ nổi tiếng. Ông đã khẳng định chỗ đứng của mình trong làng nhạc ngay từ khi tác phẩm Tình Khúc Thứ Nhất ra đời. Nó tiếp cận tình yêu dưới góc độ duy mỹ mới mẻ, bằng những hình ảnh và ngôn ngữ thoạt trông có vẻ như sáo mòn nhưng kỳ thật mang nhiều cách tân hiện đại. Nó đánh dấu một thời kỳ thâm nhập tâm thức một thế hệ bị rẻ rúng phụ bạc: càng hoang mang thất vọng trước thực tại, càng khát khao mơ ước những sắc màu vĩnh cửu.


Lệ Thu hát Tình Khúc Thứ Nhất trước 1975

Tình yêu như một sự ngụy tạo hạnh phúc

Mở đầu bài hát Tình Khúc Thứ Nhất, Nguyễn Đình Toàn tuyên bố:

Tình vui, theo gió mây trôi, ý sầu mưa xuống đời
Lệ rơi, lấp mấy tuổi tôi, mấy tuổi xa người…

Tình vui thật sao? Nếu có, chỉ là vui gượng gạo để tự dối mình, trong mưa sầu, lệ đắng. Ở phần lời hai, tác giả có xác định rõ hơn:

Tình vui trong phút giây thôi, ý sầu nuôi suốt đời…

Ngày em đăng quang, giữa giờ phút tuyệt vời, thì cũng là lúc tôi chỉ thấy son vàng rệu rã, phải trốn mình trong lớp khói hương để mong tìm ra một ảo giác nào đó, để cầu xin chút ân huệ gặp gỡ sau cùng:

Ngày thần tiên em bước lên ngôi, đã nghe son vàng tả tơi
Trầm mình trong hương đốt hơi bay, mong tìm ra phút sum vầy…

Phảng phất một cái gì linh diệu, kỳ bí, xa xôi mà quen thuộc, pha lẫn với đôi chút siêu thực. Trước Nguyễn Đình Toàn, hình như chưa có ai nói thế. Câu tiếp theo xé toạc cái vỏ kén tự kỷ chủ quan, làm nổ tung một sự thật phũ phàng:

Có biết đâu niềm vui đã nằm trong thiên tai

Nói về tình yêu – mà không chỉ riêng tình yêu, có lẽ chưa tác giả nào đã xuất thần với một cụm từ sắc gọn như thế, chạm sát với số phận con người, và trong một chừng mực nào đó, với cả vận mệnh quê hương: sự ngỡ ngàng bất lực trước đại nạn.

Rồi tác giả tiếp tục triển khai bức tranh bằng những hình ảnh đè nặng, u ám:

Những cánh dơi lẻ loi mù trong bóng đêm dài

Dơi rất hiếm khi xuất hiện trong văn học. Nguyễn Đình Toàn gọi đến nó là để báo hiệu một không gian bao trùm bất hạnh, một kết luận chua chát, ê chề:

Lời nào em không nói em ơi, tình nào không gian dối

Thế nhưng tác giả cũng tìm được cách tự trấn tĩnh, trở về với kỷ niệm – trên thực tế đã hóa thành ý niệm, để chiêm ngưỡng săm soi như những chuẩn mực rút ra từ trải nghiệm, dù vẫn chưa hết cơn hờn trách:

Xin yêu nhau như thời gian làm giông bão mê say
Lá thốt lên lời cây, gió lú đưa đường mây
Có yêu xin những ngày thơ ngây
Lúc mắt chưa nhạt phai

Lúc tóc chưa đổi thay
Lúc môi chưa biết dối cho lời…

Nhà thơ Du Tử Lê, trong một bài viết về văn chương Nguyễn Đình Toàn đã cho rằng: “…Ở thời điểm cuối thập niên 1950, đầu thập niên 1960, thì đó là cách nói cực kỳ mới mẻ. Người ta không thể tìm thấy ý niệm “niềm vui trong thiên tai”, “yêu nhau như thời gian làm giông bão” (…) trong bất cứ một ca từ nào của nền tân nhạc Việt Nam, kể từ tiền chiến”.

Không chỉ thế, điều đáng chú ý ở đây là nỗ lực vượt thoát của nhà thơ vào thời điểm đó.

Tác giả dành cả phần lời hai của tình khúc cho những dự phóng tương lai, không chút hoài nghi do dự. Bởi nghịch cảnh là sự thử thách độ bền của con tim, cho nên dẫu không có gì bù đắp lại, tôi vẫn mơ em, mơ một ngày mai yên ấm, vẫn trung thành với ký ức và tình yêu:

Thì xin giữ lấy niềm tin, dẫu mộng không đền
Dù Trời đem cay đắng gieo thêm cũng xin đón chờ bình yên
Vì còn đây câu nói yêu em, âm thầm soi lối vui tìm đến.

Thật hồn nhiên và cao thượng! Nhưng tất cả chỉ đơn phương, mộng tưởng, không gì bảo đảm là khả thi hoặc có thật.

Và Nguyễn Đình Toàn tiếp tục vượt xa thêm nữa trong phần lời ba của bài, bằng sự kết nối vừa nên thơ vừa bác học với thần thoại:

Thần tiên gãy cánh đêm xuân, bước lạc sa xuống trần
Thành tình nhân đứng giữa trời không khóc mộng thiên đường
Ngày về quê xa lắc lê thê trót nghe theo lời u mê
Làm tình yêu nuôi cánh bay đi
Nhưng còn dăm phút vui trần thế

Trong văn chương Việt Nam, ít khi có được một kịch bản như thế. Để khép lại tình khúc, Nguyễn Đình Toàn thể nghiệm một lối mở thênh thang, đa tầng, với một tham vọng nghệ thuật đáng quý: đặt song song huyền thoại với hiện thực; vừa mượn những hình tượng siêu nhiên của điển tích và triết học cổ đại để thăng hoa, vừa thể hiện độ lùi sám hối, phản tỉnh của chính bản thân trước cuộc đời, một cuộc đời lắm trắc trở bất an, mà sự chấp nhận hiện hữu cũng đồng nghĩa với lòng bao dung và ý muốn hòa hợp cùng người.

Vấn đề là nó có thuyết phục không, ít nhất là đến đây. Chẳng hạn: nếu Tình Yêu đã thoát xác bay đi, thì “dăm phút vui trần thế” còn lại là cho nỗi vui nào?

Dẫu sao, không thể phủ nhận rằng ở Tình Khúc Thứ Nhất lấp lánh một vẻ đẹp lãng mạn, một sự trong sáng trong cách xử lý, ít có so với các tác phẩm thời đó. Nguyễn Đình Toàn ở đây là một chàng trai say đắm, độ lượng, đầy thiện chí, sẵn sàng quên đi những lầm lỗi của người yêu. Rõ ràng khi ấy, ông chưa phải là “Nguyễn Đình Toàn, nhà văn buồn bã và bệnh hoạn” như cách nói ấn tượng của Tạ Tỵ khi đánh giá văn nghiệp nhà thơ họ Nguyễn này, mặc dù những phê bình của họa sĩ Tạ Tỵ dựa trên các truyện và tiểu thuyết xuất bản – không phải là hoàn toàn xa lạ đối với nội dung bài hát:

“Tình yêu trong tác phẩm của Nguyễn Đình Toàn không bao giờ nguyên vẹn. Nó đứng chênh vênh trên bờ vực hay trơ vơ phơ phất trong từng ý nghĩ mong manh. Nó cuồng nộ một cách giả tạo. Nó vượt quá xa mức độ một cách giả tạo. Nó vượt quá xa mức độ thực của nó. Nó chỉ được phác hoạ mà không bao giờ cụ-thể-hoá được giữa cuộc đời. Những ý nghĩ táo bạo (…) cũng chỉ để nói với mình, để lừa dối mình, để chiến thắng mặc cảm, thứ mặc cảm bất lực về thể chất vũ bão ở nội tâm”.

Tình khúc của Nguyễn Đình Toàn là bóng dáng “lẻ loi mù trong bóng đêm dài” giữa cuộc hành hương tìm về miền diễm phúc ban đầu. Vì thế, nó phải được ngụy trang với tất cả sự cẩn trọng và niềm tin, để tránh thoát những mũi đâm nghiệt ngã của phẫn hận, oán trách, chua cay.

nhacxua.vn biên soạn
Dựa theo bài viết của tác giả Bùi Đức Hào (vanchuongviet.org) và Mặc Lâm (RFA)

LEAVE A REPLY

Please enter your comment!
Please enter your name here