Giai thoại liên quan đến ca khúc Nụ Tầm Xuân (nhạc sĩ Phạm Duy): “Nụ tầm xuân nở ra xanh biếc…”

0
1487

“Trèo lên cây bưởi hái hoa,
Bước xuống vườn cà hái nụ tầm xuân.
Nụ tầm xuân nở ra xanh biếc,
Em có chồng anh tiếc lắm thay”

Những ai yêu nhạc của Phạm Duy, chắc hẳn đều rất quen thuộc với bài ca dao đã đi vào âm nhạc với tên gọi “Nụ Tầm Xuân” này.

“nụ tầm xuân nở ra xanh biếc”

Được xưng tụng là nhạc sĩ tài năng nhất của nền tân nhạc Việt, nhạc sĩ Phạm Duy còn có một biệt tài là phổ nhạc cho thơ. Những bài thơ vốn đã hay, nhưng nếu không có nét nhạc của nhạc sĩ họ Phạm chan vào để thành những ca khúc nổi tiếng thì có lẽ những thi sĩ như Phạm Thiên Thư, Nguyễn Tất Nhiên, Linh Phương, Vũ Hữu Định… đã không thể đi vào lịch sử của thơ ca miền Nam.

Ngoài phổ thơ, nhạc sĩ Phạm Duy còn phổ được cả ca dao. Ông là người tiên phong trong việc sáng tác các bài hát mà ông gọi là “dân ca mới”. Chất liệu dân tộc, dân gian được ông sử dụng rất nhuần nhuyễn trong các ca khúc Ru Con, Bài Ca Sao, Trường Ca Con Đường Cái Quan, Gánh Lúa… Nụ Tầm Xuân.

Nhạc sĩ Phạm Duy viết “Nụ Tầm Xuân” năm 1952, là một trong những ca khúc đầu tiên mà ông sáng tác sau khi di cư vào miền Nam.

Trong cuốn sách “Tính Dân Tộc Trong Âm Nhạc Phạm Duy”, Giáo sư Trần Văn Khê đã có phân tích rất hay về các vận dụng ngũ cung của Phạm Duy trong bài hát Nụ Tầm Xuân như sau:

“Trước tiên tôi muốn đề cập tới một nhạc phẩm tiêu biểu mà tôi cho là rất đặc sắc trong cách sử dụng thang âm ngũ cung với một tinh thần sáng tạo của Phạm Duy. Đó là nhạc phẩm “Nụ Tầm Xuân”, dựa theo một câu ca dao rất quen thuộc của người Việt Nam:

“Trèo lên cây bưởi hái hoa
Bước xuống vường cà hái nụ tầm xuân
Nụ tầm xuân nở ra xanh biếc
Em (đi) lấy chồng anh tiếc lắm thay…”

Câu đầu “Trèo lên cây bưởi hái hoa”, Phạm Duy dùng thang âm ngũ cung dạng II (âm cơ bản La):

Hò – Xự – Xang –Xê – Cống

Mi Fa# La Si Do#

mà cách vận hành giai điệu cũng đi từ Hò lên Liu và trở xuống như bài Lưu Thủy đoản. Nhưng cách sáng tạo của Phạm Duy lại không đi từ thấp lên cao bằng con đường thẳng hay con đường vòng, mà là đi từng bực quãng 5 chồng chất (La-Mi, Mi, Ré-La, Mi-Si, Si, La-Mi, Mi…) để cho chúng ta có cảm giác đi lên từng nấc thang hay “trèo lên cây bưởi”, tay vin cây, chân leo lên từng cành để hái cho được bông bưởi trắng muốt.

Trèo lên, lên, trèo lên, trèo lên, lên, trèo lên

La – Mi, Mi, Re – La, Mi – Si, Si, La – Mi

Cách vận hành giai điệu từ thấp lên cao bằng những quảng 5 chồng chất mà cách vận hành mà tôi chưa từng gặp trong dân ca Việt Nam. Khi hát nhạc Phạm Duy, chúng ta chẳng những theo giai điệu từ thấp lên cao mà có cảm giác “thấy” được người trèo lên cây bưởi. Đó là một biệt tài của Phạm Duy.”

Nếu thử nghe lại bài hát và cảm nhận như lời giáo sư Trần Văn Khê nói bên trên, chúng ta có cảm giác như “nghe” được một người đang trèo cây bưởi. Biệt tài đó của Phạm Duy, có mấy người có thể làm được?


Thái Thanh hát Nụ Tầm Xuân (cùng với Ý Lan) khi bà đã ngoài 70 tuổi

Về nội dung của bài nhạc Nụ Tầm Xuân, cũng giống như một đặc tính của ca dao Việt Nam, đó là mượn cảnh tả tình. Câu chuyện mô tả sự nuối tiếc về người con gái đã đi lấy chồng, nhưng trước tiên là mượn một hình ảnh tưởng như không liên quan gì, đó là lên cây bưởi hái hoa, rồi xuống vườn cà hái nụ tầm xuân xanh biếc.

Chùm ca dao đầy đủ như sau:

Trèo lên cây bưởi hái hoa,
Bước xuống vườn cà hái nụ tầm xuân.
Nụ tầm xuân nở ra xanh biếc,
Em có chồng anh tiếc lắm thay!

Ba đồng một mớ trầu cay,
Sao anh chẳng hỏi những ngày còn không?
Bây giờ em đã có chồng,
Như chim vào lồng như cá cắn câu.

Cá cắn câu biết đâu mà gỡ,
Chim vào lồng biết thuở nào ra?

Có lòng xin tạ ơn lòng,
Đừng đi lại nữa mà chồng em ghen!

Chùm thơ này được nhạc sĩ Phạm Duy phổ thành bài Nụ Tầm Xuân có lời nhạc:

Trèo lên, lên trèo lên,
Trèo lên, lên trèo lên,
lên cây bưởi hái hoa

Bước ra, ra vườn cà,
bước ra, ra vườn cà,
cà hái nụ tầm xuân

Nụ tầm xuân, ơi nụ tầm xuân
Nở ra, xanh biếc
Em lấy chồng, em đi lấy chồng
Anh tiếc, tiếc lắm thay!

Một miếng trầu cay, hỡi chàng
Chàng ơi chàng hỡi, nào khó?

Một miếng trầu cay, hỡi chàng
Chàng ơi, khó gì?

Sao anh không hỏi
Sao anh không hỏi
Sao anh không hỏi
Những ngày em còn không?

Giờ đây, đây giờ đây
Giờ đây, đây giờ đây
Đây em đã có chồng

Em đã, đã có chồng
Như chim, chim vào lồng
Như cá ngậm mồi câu
Cá cắn câu, biết đâu mà gỡ
Chim vào lồng, biết thuở nào ra…

Có một chi tiết không phải ai cũng biết, đó là chùm ca dao này gắn liền với giai thoại về nhân vật lịch sử Đào Duy Từ, được kể lại như sau:

“Năm Đinh Mão (1627), chúa Trịnh ở Đàng Ngoài muốn bắt họ Nguyễn ở Đàng Trong phải thần phục, bèn cử đoàn sứ giả mang sắc vua Lê vào phong cho Sãi Vương (chúa Nguyễn Phúc Nguyên) và đòi Sãi Vương phải cho con vào chầu, đồng thời phải nộp 30 con voi cùng 30 chiếc thuyền làm lễ vật cống nạp nhà Minh. Chúa Sãi không chịu, nhưng bề ngoài chưa biết xử trí ra sao, bèn hội họp triều thần hỏi mưu kế. Lộc Khê hầu Đào Duy Từ khuyên chúa Sãi bước đầu cứ nhận sắc phong, rồi sau sẽ tìm kế đối phó.

Đào Duy Từ

Ba năm sau, thấy thời cơ thuận lợi, bấy giờ Lộc Khê hầu mới bàn với Sãi Vương, sai thợ làm một chiếc mâm đồng có hai đáy, để sắc vua Lê phong, kèm với một tờ giấy có 4 câu chữ Hán vào giữa, rồi hàn kín lại. Trên mâm cho bày nhiều lễ vật hậu hĩnh, rồi cử Lại Văn Khuông làm sứ giả mang ra Thăng Long (Hà Nội này nay), tạ ơn vua Lê và chúa Trịnh.

Nhờ có chuẩn bị trước, khi ra kinh đô yết kiến chúa Trịnh, Lại Văn Khuông ứng đối rất trôi chảy. Chúa Trịnh hậu đãi, cho phép Khuông cùng phái đoàn sứ giả đi thăm kinh thành, để chờ Chúa dạy bảo. Trên đường đi, Khuông lén mở cẩm nang của Đào Duy Từ trao cho từ trước. Đọc xong, Khuông cùng cả phái đoàn lẻn trốn về Nam. Thấy phái đoàn sứ giả đột ngột trốn về, chúa Trịnh sinh nghi, bèn cho người đập vỡ mâm lễ, lại thấy tờ sắc phong khi trước, và 1 tờ giấy viết bốn câu thơ chữ Hán sau:

“Mâu nhi vô dịch
Mịch phi kiến tích
Ái lạc tâm trường
Lực lai tương địch.”

Cả triều đình không ai hiểu ý nghĩa bài thơ. Giai thoại kể rằng chỉ khi có người tiến cử trạng nguyên Phùng Khắc Khoan (trạng Bùng), bài thơ mới được giải. Vừa đọc, trạng Bùng đã hiểu ngay ngụ ý của bài thơ. Ông giảng giải:

“Mâu nhi vô dịch” nghĩa là chữ Mâu không có dấu phẩy là chữ ;
“Mịch phi kiến tích” nghĩa là chữ Mịch bỏ bớt chữ Kiến còn lại là chữ Bất;
“Ái lạc tâm trường” nghĩa là chữ Ái để mất (lạc) chữ Tâm thì thành chữ Thụ;
“Lực lai tương địch” nghĩa là chữ Lực đối địch (tương địch) với chữ Lai là chữ Sắc.

Vậy, gộp cả bốn chữ mới lại thành câu:

“Dư Bất Thụ Sắc”, nghĩa là “Ta không nhận sắc phong”.

Nghe xong, Trịnh Tráng vội thét lính đuổi bắt Lại Văn Khuông, nhưng lúc đó Khuông cùng cả phái đoàn đã cao chạy xa bay rồi.

Trịnh Tráng muốn ra quân đánh chúa Nguyễn nhưng gặp lúc Cao Bằng và Hải Dương đều có giặc giã nổi lên, đành phải hoãn lại.

Trịnh Tráng cho người dò la biết được việc Sãi Vương không nhận sắc phong đều do một tay Lộc Khê Đào Duy Từ bày đặt ra cả. Chúa Trịnh tính kế làm sao để lôi kéo Lộc Khê bỏ chúa Nguyễn (Đàng Trong) về với triều đình vua Lê và chúa Trịnh (Đàng Ngoài).

Chúa Trịnh lập mưu, sai người mang nhiều vàng bạc bí mật vào biếu Đào Duy Từ, kèm một bức thư riêng với bốn câu thơ:

“Trèo lên cây bưởi hái hoa,
Bước xuống vườn cà hái nụ tầm xuân.
Nụ tầm xuân nở ra xanh biếc,
Em có chồng anh tiếc lắm thay!”.

Lời thơ nói đến chuyện anh (chúa Trịnh) và em (Đào Duy Từ) thuở nhỏ, trèo cây hái hoa bưởi, bước xuống vườn cà hái nụ hoa tầm xuân. Ý thơ trong như ngọc, là lời nhắn nghĩa tình, nhắc ông rằng tổ tiên, quê quán vốn ở Đàng Ngoài. Nếu trở về sẽ được triều đình trọng dụng còn nếu không thì ngầm ý đe dọa.

Người ta đồn rằng Đào Duy Từ đã xây mộ cho cha mẹ tại Bình Định để tránh bị Đàng Ngoài chế ngự theo cách làm của Gia Cát Lượng đón mẹ của Khương Duy vào Hán Trung thuở xưa. Vì thế Đào Duy Từ không sợ hãi chúa Trịnh trả thù; và ông đã trả lại quà tặng và viết bài thơ phúc đáp chúa Trịnh như sau:

“Ba đồng một mớ trầu cay,
Sao anh chẳng hỏi những ngày còn không?
Bây giờ em đã có chồng,
Như chim vào lồng như cá cắn câu.

Cá cắn câu biết đâu mà gỡ,
Chim vào lồng biết thuở nào ra?”

Chúa Trịnh đọc thơ biết khó lòng lôi kéo được họ Đào, nhưng thấy bài thơ chưa có câu kết, ý còn bỏ ngỏ, nên vẫn nuôi hy vọng, bèn cho người đem lễ vật nhiều hơn, và mang theo lá thư của chúa Trịnh vào gặp Đào Duy Từ lần nữa.

Lần này, ông mới viết nốt hai câu kết gửi ra, để trả lời dứt khoát việc mời mọc của chúa Trịnh. Hai câu đó như sau:

“Có lòng xin tạ ơn lòng,
Đừng đi lại nữa mà chồng (*) em ghen!”

(*) Chồng, có ý nói là chúa Nguyễn.

Từ đấy Đào Duy Từ ở lại giúp chúa Nguyễn ổn định và phát triển vùng đất miền trong, mở mang bờ cõi đất nước ta cho đến lúc qua đời…”

Đọc lại câu chuyện này, có thể này hình ảnh “trèo lên cây bưởi” và “bước xuống vườn cà” không hẳn chỉ là mượn hình ảnh vu vơ để mà mô tả tâm trạng. Ngoài ra câu chuyện này mang hàm ý sâu xa của người xưa, chứ không phải là câu chuyện nuối tiếc tình yêu trai gái thông thường.

Nếu xét cho cùng, đây cũng không phải là một bài ca dao đúng nghĩa. Vì ca dao thì sẽ không có tác giả cụ thể và được truyền miệng nhiều đời. Còn bài thơ này có tác giả là cụ Đào Duy Từ. Tuy nhiên trong vài trăm năm sau đó, bài thơ này được truyền miệng trong dân gian giống như một bài ca dao đích thực.

Nói thêm về Đào Duy Từ, ông là nhà chính trị quân sự, thầy giáo, bậc khai quốc công thần lớn nhất của 9 đời chúa Nguyễn và 13 đời vua nhà Nguyễn.

Đào Duy Từ hiệu là Lộc Khê, quê ở làng Vân Trai, xã Hoa Trai, huyện Ngọc Sơn, phủ Tĩnh Gia, Thanh Hoa (nay là làng Giáp Nỗ, xã Nguyên Bình, huyện Tĩnh Gia, tỉnh Thanh Hóa).

Cha ông là Đào Tá Hán, trước làm lính cấm vệ trong triều, sau bị đuổi về quê làm nghề xướng ca rồi mất sớm.

Sách Chín đời chúa, mười ba đời vua Nguyễn chép rằng Đào Duy Từ vốn là người thông minh, học rộng, đỗ á nguyên khoa thi Hương năm 1593 đời Vua Lê Thế Tông khi mới 21 tuổi.

Ông thi Hội, bài luận rất tốt được quan chánh chủ khảo là Thái phó Nguyễn Hữu Liêu đánh giá cao. Tuy nhiên, Bộ Lễ đã đưa chứng cứ và truyền lệnh xóa tên, đánh tuột á nguyên, lột mũ áo vì tội đổi họ, man khai lý lịch, bị gạch tên và tống giam.

Nguyên nhân là bởi ở Đàng Ngoài lúc ấy, xướng ca bị cho là “vô loài”, con cái họ không được phép dự thi, không được làm quan. Đào Duy Từ đã đổi tên thành Vũ Duy Từ để đi thi.

Sau khi biết tin chúa Sãi (Nguyễn Phúc Nguyên) ở Đàng Trong chiêu hiền, năm 1625, Đào Duy Từ khăn gói lên đường. Thời gian đầu, chưa có cơ hội yết kiến chúa, ông xin ở lại chăn trâu cho quan Khám lý Trần Đức Hoà.

Sau khi được đọc tập Ngọa Long Cương Vãn của Đào Duy Từ, thấy được tầm nhìn và ý chí của ông, Trần Đức Hòa nhận Đào Duy Từ làm con nuôi.

Sau khi được Trần Đức Hoà giới thiệu với chúa Sãi, chỉ qua một lần đối đáp, Đào Duy Từ nhận được sự tin tưởng và trở thành quân sư của chúa Nguyễn.

Từ đó về sau, những khi có việc chính sự quan trọng, chúa đều cho mời Đào Duy Từ để hỏi ý kiến, đàm đạo. Chính Đào Duy Từ là người đã đốc thúc việc xây luỹ, rèn binh.

Năm 1630, khi Đào Duy Từ đang cho quân đắp luỹ Trường Dục thì Trịnh Tráng đưa quân tiến đánh. Quân Nguyễn chiến đấu anh dũng, đánh bại binh lính Trịnh.

Năm sau, theo kế hoạch của Đào Duy Từ, chúa Nguyễn tiếp tục cho xây luỹ Đồng Hới. Những thành luỹ kiên cố đã giúp quân Nguyễn phòng thủ vững chắc, bảo vệ được thành quả trước đợt tấn công của quân Trịnh.

Không chỉ giúp chúa phát triển, xây dựng quân đội, Đào Duy Từ còn tiến cử nhiều tướng giỏi khác vốn là người thân của ông như Thuận Nghĩa hầu Nguyễn Hữu Tiến (con rể), Chiêu Vũ hầu Nguyễn Hữu Dật (học trò), Phúc Kiều, Nguyễn Đình Hùng… Những người này đều được chúa Sãi hết lòng tin yêu và giao cho những chức vụ quan trọng.

nhacxua.vn biên soạn

LEAVE A REPLY

Please enter your comment!
Please enter your name here