“Người đẹp Tây Đô” Băng Châu – Từ giọng hát ngọt ngào trở thành minh tinh màn bạc

0
1453

Vào đầu thập niên 70, tại Sài Gòn có sự xuất hiện của một khuôn mặt trẻ trung, còn mang dáng dấp một nữ sinh với những nét đẹp tươi sáng mà nhu mì, rạng rỡ nhưng vẫn còn phảng phất hương lúa ngọt ngào của miền Tây trù phú. Đó là nữ ca sĩ kiêm diễn viên điện ảnh và kịch nghệ, Băng Châu.

Cái tên Châu còn gắn liền với nữ ca sĩ này trong lĩnh vực điện ảnh, khi Băng Châu có vai diễn đầu tiên và rất thành công khi được đạo diễn Lê Dân phát hiện, mời đóng vai chính Trần Thị Diễm Châu trong bộ phim được chuyển thể từ tiểu thuyết Châu Kool của nhà văn Duyên Anh.

Vì vậy nhiều người vẫn tưởng Băng Châu là tên thật của cô. Tuy nhiên ca sĩ Băng Châu có tên thật là Nguyễn Thị Xuân Mai, sinh ngày 1/8/1950 ở Bà Rịa, sau đó về Trà Ôn, rồi lớn lên ở đất Cần Thơ. Cô cho biết nghệ danh Băng Châu được chính cô đặt, có ý nghĩa là “viên ngọc lạnh”.

Băng Châu thích hát từ nhỏ, khi lên lớp đệ thất, cô đã chọn học nhạc và tham gia các chương trình “những người em gái hậu phương” hát cho chiến sĩ nghe khi còn ngồi trên ghế nhà trường. Sau đó, Băng Châu có cơ duyên gặp các phái đoàn ca nhạc từ Sài Gòn về Cần Thơ diễn như Hoa Tình Thương, Biệt Đoàn Văn Nghệ Trung Ương… trong đó có ca sĩ Tuyết Nhung, người đã thuyết phục Băng Châu lên Sài Gòn để theo nghiệp ca hát.

Khi đang học lớp Đệ Nhị (lớp 11) năm 1969, ca sĩ Băng Châu bỏ học giữa chừng để lên Sài Gòn theo đuổi đam mê. Tuy nhiên một thời gian ngắn sau đó, cô về lại Cần Thơ, để rồi đến năm 1970 mới chính thức sinh sống ở Sài Gòn. Tại đây cô được người bạn Tuyết Nhung dẫn vào Biệt Đoàn Văn Nghệ Trung Ương để gặp những nhạc sĩ nổi tiếng Duy Khánh, Khánh Băng, Bảo Thu…

Người đầu tiên giúp đỡ Băng Châu chính là ca nhạc sĩ Duy Khánh, cũng là người thầy đã nâng đỡ cô rất nhiều. Tuy nhiên lần đầu tiên Băng Châu xuất hiện trong một chương trình âm nhạc là “Tiếng Thùy Dương” của nhạc sĩ Châu Kỳ với nhạc phẩm “Nhớ Nhau Hoài” của nhạc sĩ Anh Việt Thu. Tiếng hát của một nữ ca sĩ tuổi với vừa đôi mươi đã chinh phục đông đảo khán giả thời đó.


Băng Châu hát Nhớ Nhau Hoài trước 75

Nhưng phải đến một thời gian sau, với bài hát Qua Cơn Mê (sáng tác của Trịnh Lâm Ngân) thu trong băng nhạc Trường Sơn của Duy Khánh thực hiện, tên tuổi của Băng Châu mới được chắp cánh để trở thành một tên tuổi nổi bật vào đầu thập niên 1970. Băng Châu kể trong chương trình Jimmy Show rằng bài hát này đã đóng dấu ấn vào tên tuổi của cô cho đến tận ngày nay, tức là gần 50 năm sau khi cô hát Qua Cơn Mê.


Băng Châu hát Qua Cơn Mê trước 75

Thực ra người thu âm bài này đầu tiên là Duy Khánh trong đĩa nhựa. Băng Châu kể rằng lúc đó cô thấy bài này hay quá nên xin Duy Khánh để hát. Tuy nhiên ông thầy Duy Khánh muốn ông hát trước trong dĩa nhựa rồi sau đó Băng Châu thu âm lại vào băng cối, và Qua Cơn Mê với tiếng hát Băng Châu đã trở thành một hiện tượng từ đó. Trên các đài phát thanh, từ sáng đến tối, mở bất kỳ đài nào cũng đều có phát bản thu âm này.

Nhà văn Hồ Trường An đã có nhận xét về Băng Châu như sau:

“Băng Châu có một khuôn mặt gợi cảm với sóng mũi cô hơi dài và thanh tú. Cặp môi cô đầy đặn, khi khép kín miệng thì cặp môi ấy đẹp hơn là lúc nở nụ cười. Giọng hát Băng Châu mềm mại ngọt ngào. Cô được cái ưu điểm là dàn trải làn hơi đâu ra đó. Tiếng hát của Băng Châu là tiếng hát buồn man mác của người cô phụ đêm đêm chong đèn ngồi bên song cửa nhìn bóng trăng tà ngoài song và đối diện với ngọn hàn đăng trong cô phòng.

Tiếng hát cô lúc buồn theo mùi hương nguyệt quí ngào ngạt tỏa ra chung quanh khuôn viên của căn nhà kia, từ lúc đèn đêm thắp sáng cho tới lúc cửa sổ khép kín và ánh đèn trong hương khuê phụt tắt. Đó là lúc hương cau, hương bưởi và hương dạ lý thay nhau lan tỏa trong sương khuya và trong những cơn gió mỏng hiu hiu. Những mùi hương ấy ở chốn cùng thôn tuyệt tái thì ngoài nàng ra không có ai thưởng thức chúng, cho nên đó cũng chỉ là những thứ hương bị quên lãng và bị nhốt chung một phận buồn như nàng”.

Ngay sau lần đầu xuất hiện trên truyền hình, khuôn mặt của Băng Châu đã lọt vào mắt đạo diễn Lê Dân và ông đã tin tưởng giao ngay vai nữ chính của bộ phim “Trần Thị Diễm Châu” cho cô. Theo lời đạo diễn Lê Dân cho biết thì trước khi đưa quyển tiểu thuyết đang chấn động văn đàn Sài Gòn thời bấy giờ về nhân vật “Châu Kool” của nhà văn Duyên Anh lên màn bạc, đạo diễn Lê Dân đã đi lùng trong hàng ngũ các nữ nghệ sĩ cải lương, các nữ minh tinh màn bạc, các nữ ca sĩ để tìm một cô có vóc dáng và nhân diện có thể đóng vai từ một thiếu nữ ngây thơ, đến một người đàn bà bụi đời thể hiện qua nữ nhân vật Trần Thị Diễm Châu có cái biệt danh là Châu Kool.

Ông gặp được Băng Châu. Cô là hiện thân pha trộn của ba mẫu người đàn bà khác nhau. Khi đóng vai Diễm Châu nữ sinh, cô có vẻ ngây thơ trong sáng và hành xử rất hồn nhiên. Khi đóng vai Diễm Châu thiếu phụ đa tình, cô thể hiện được mẫu người tình tứ thập phần gợi cảm. Khi đóng vai Diễm Châu nữ chúa trong làng dao búa cô thể hiện được vẻ dữ dằn sắt đá.

Bộ phim “Trần Thị Diễm Châu” vừa trình chiếu ở Sài Gòn thì tên tuổi của Băng Châu đã trở nên quen thuộc trong giới trẻ đô thành. Chính nhờ sự “chạm ngõ” đầy thuận lợi như vậy, điện ảnh đã mở rộng vòng tay đón nhận “người đẹp Tây Đô”, cô được mời xuất hiện trong nhiều phim khác như “Vĩnh Biệt Tình Hè”, “Trường Tôi”, “Bốn Thủy Thủ Sợ Ma”, “Năm Vua Hề Về Làng”… Và từ đó, tên tuổi Băng Châu lại nổi bật thêm trong lĩnh vực điện ảnh.

Băng Châu cùng đoàn phim Vĩnh Biệt Tình Hè

Phim này Băng Châu đóng vai chính cùng Nguyễn Chánh Tín

Băng Châu cùng Hoài Mỹ năm 1974 khi quay phim Vĩnh Biệt Tình Hè

Sau năm 1975, ca sĩ Băng Châu tiếp tục sinh hoạt âm nhạc, đóng phim, đến tháng 9 năm 1979 thì cô sang Mỹ định cư, cộng tác với nhiều trung tâm băng đĩa hải ngoại. Ngoài ca hát, Băng Châu còn là một MC, xướng ngôn viên truyền hình và truyền thanh.

Băng Châu hiện nay

Đông Kha (nhacxua.vn)

  • Sử dụng tư liệu của tác giả Hồ Trường An và Lê Quang Thanh Tâm

LEAVE A REPLY

Please enter your comment!
Please enter your name here