Hỏi đá xanh rêu bao nhiêu tuổi đời
Hỏi gió phiêu du qua bao đỉnh trời
Hỏi những đêm sâu đèn vàng héo hắt
Ái ân bây giờ là nước mắt
Cuối hồn một thoáng nhớ mong manh.
Thuở ấy tôi như con chim lạc đàn
Xoải cánh cô đơn bay trong chiều vàng
Và ước mơ sao trời đừng bão tố
Để yêu đương càng nhiều gắn bó
Tháng ngày là men say nguồn thơ.
Tình yêu đã vỗ cánh rồi
Là hoa rót mật cho đời
Chắt chiu kỷ niệm dĩ vãng
Em nhớ gì không em ơi ?
Màu áo thiên thanh thơ ngây ngày nào
Chìm khuất trong mưa mưa bay dạt dào
Đọc lá thư xưa một trời luyến tiếc
Nhớ môi em và màu mắt biếc
Suối hẹn hò trăng xanh đầu non.
Vài những năm 1967 – 1968, nhạc sĩ Trần Trịnh được gặp nhà thơ Hà Huyền Chi và thi sĩ Hà Huyền Chi đã nhận viết lời cho một nhạc phẩm của Trần Trịnh: “Lệ đá”. Bài hát tức khắc được mọi người yêu thích, và có số bản nhạc in phá kỷ lục. Đến năm 1971 thì đạo diễn Võ Doãn Châu lấy tên “Lệ đá” đặt cho cuốn phim ông thực hiện, trong đó nhạc nền là bài “Lệ đá” do Khánh Ly hát. Nhắc về ca khúc Lệ Đá, nhà thơ Hà Huyền Chi tâm sự như sau :
– Nhạc phẩm “Lệ Đá” trước hết không phải là một bài thơ phổ nhạc. Phải nói là tôi đã đặt lời cho bản nhạc (vốn không tên) của nhạc sĩ Trần Trịnh. Do một cơ duyên đặc biệt, do người bạn tên Đông chơi Clarinet, giới thiệu Trần Trịnh đến với tôi, khi đó Trần Trịnh (giữa thập niên 1960) chưa có nhiều tiếng tăm trong làng tân nhạc thời bấy giờ :
– Nhạc Trần Trịnh khá lắm, nhưng rất ít người biết đến. Xin anh giúp thằng bạn em một lần, đặt lời ca giùm cho nó.
Tôi liền lắc đầu : – “Em biết là anh vốn mù nhạc mà !”
– Em biết chứ, nhưng em thành thực nghĩ rằng chỉ có anh mới giúp được nó.
Còn Trần Trịnh cười hiền lành nói thêm :
– Xin anh giúp cho. Tôi nghĩ là sẽ có cách…
Bấy giờ tôi thẳng thắn đặt điều kiện :
– Nể thằng em, coi như tôi chấp thuận trên nguyên tắc. Tuy nhiên, tôi cần nghe anh đàn bản nhạc này vài lần để có khái niệm về nhạc tính. Và tôi cũng cần ý kiến thẩm định về nhạc thuật của bài này với những Pianist như Dzương Ngọc Hoán (chồng Pianist, ca sĩ Quỳnh Giao)
Chúng tôi kéo nhau lên đài phát thanh Quân Đội, Trần Trịnh ngồi vào piano. Và điều ngạc nhiên là tôi ưa ngay cái âm hưởng buồn ngất ngây dịu nhẹ đó, rất Pianissimo ấy. Melody thật tha thiết, ngọt ngào, bắt nhĩ. Khi ấy Đông đã kéo Dzương Ngọc Hoán qua và Hoán khen bản nhạc này không tiếc lời, khiến tôi có ngay quyết định giúp Trần Trịnh. Tôi nghe Trịnh đàn thêm vài lần nữa và cố gắng nhập tâm cái âm hương của bản nhạc. Hôm sau, tôi đem đến Trần Trịnh lời ca thứ nhất của Lệ Đá. Kết quả ngoài sức tượng tượng, là không biết bằng cảm hứng nào đó, tôi đã hòa được cái rung cảm đích thực của thơ tôi vào nhạc Trần Trịnh. Trần Trịnh mừng rỡ tới sững hồn. Anh và Hoán cùng hân hoan hát Lệ Đá khiến tôi cũng choáng ngợp trong niềm vui. Lập tức tôi viết lời 2.
Buổi trưa nắng gắt, dưới mái tôn thấp lè tè của quán cơm lính trong trại. Trên chiếc bàn bọc nhôm nóng bỏng, cáu bẩn, tôi thả hồn bay với Lệ Đá. Tôi viết thật dễ dàng, và khóc cũng dễ dàng với lời 2 này. Tôi cứ vừa viết vừa khóc thế đó, như khi ngồi chép lại những dòng nàỵ Tôi bỏ dở bữa ăn, đem lời 2 lên đài Quân Độị gặp Nhật Trường trước phòng vi âm. Tôi đưa Lệ Đá ra khoe, Nhật Trường hát ngay với nỗi hân hoan bốc lửa. Hắn túm ngay lấy Trần Trịnh đòi soạn cấp kỳ hoà âm cho ban nhạc và 2 bè khác cho Mai Hương, Như Thủy ca. Khoảng nửa giờ sau Lệ Đá được thâu cấp kỳ. Nhật Trường, Mai Hương, Như Thủy, mỗi nguời trên tay một bản Lệ Đá “mì ăn liền” say mê hoà ca với nỗi xúc động đồng thiếp. “Take one Good take !” Hát và thâu hoàn chỉnh ngay lần thứ nhất. Nhật Trường như bay ra khỏi phòng vi âm ôm lấy tôi và Trần Trịnh :
– Ông đặt lời thần sầu. Bản này sẽ là Top Hit.
Tôi nhún nhường:
– Top Hit được là nhờ nhạc Trần Trịnh bay bổng như diều đấy chứ.
Nhật Trường cướp lời :
– Nhưng ông là gió lớn. Đại phong mà…
Theo NGUYỄN LÊ QUAN